Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn không mới, tuy nhiên với đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng lò hơi đốt nhiên liệu xấu kiểu tầng sôi tái tuần hoàn” của TS. Nguyễn Thanh Quang (Công ty Trường Quang II) và PGS, TS Võ Chí Chính, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng biến công nghệ này trở nên rất mới mẻ và đặc biệt là hiệu quả kinh tế lẫn môi trường từ đề tài mang lại. Nhờ ưu điểm vượt trội này, đề tài đã giành được giải nhất Giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam 2011.
Lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn đang lắp đặt cho khách hàng. |
Giải thích với chúng tôi về tính “rất mới” trong đề tài này, PGS. TS Võ Chí Chính cho biết: Từ vài chục năm trước, trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn để đốt nhiêu liệu xấu (các phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi, rơm rạ, vỏ đậu, hạt điều...). Ngay tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng chế tạo thành công lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn với nhiên liệu là than, tuy nhiên tất cả các kiểu lò hơi này đều dừng lại ở một điểm là mỗi lò hơi chỉ sử dụng một loại nhiên liệu, đây cũng là điểm hạn chế khiến cho công nghệ vốn rất thân thiện với môi trường này chưa được sử dụng rộng rãi. Thế tại sao chúng ta không chế tạo ra một loại lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn dùng chung cho tất cả nhiên liệu? Câu hỏi này như một “duyên số” cùng xuất hiện trong suy nghĩ cả hai giảng viên của Khoa Công nghệ nhiệt điện lạnh, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là Nguyễn Thanh Quang (nay đã chuyển công tác) và Võ Chí Chính. Cùng ý tưởng, thế là họ bắt tay vào việc. Ngày lên lớp giảng dạy, đêm về tranh thủ nghiên cứu. Hết lần thử nghiệm này đến lần thử nghiệm khác. Cuối cùng cả hai đã tìm ra được “bí quyết” làm sao trong một lò hơi có thể đốt được tất cả nhiên liệu từ than, củi đến các phế phẩm nông nghiệp như vỏ đậu, rơm rạ, vỏ hạt điều... chỉ qua vài nút điều khiển đơn giản. Không những vậy, thông số thu được khi vận hành lò hơi đều rất tốt so với các lò hơi kiểu tầng sôi truyền thống khác. Ngoài tính năng vượt trội là có thể sử dụng rộng rãi các loại nhiên liệu thì lò hơi đa năng còn có thể đốt được các nhiên liệu có nhiệt trị thấp, nhiên liệu có độ ẩm cao đến 25%. Lò hơi này còn có thể duy trì chế độ đốt liên tục nên hiệu suất sử dụng rất cao, giảm khí độc hại thải ra trong quá trình đốt bằng cách thêm phụ gia vào buồng đốt. Đặc biệt, với khả năng tự động hóa thiết bị nhiệt, lò hơi còn sử dụng rác thải sinh hoạt và cặn bùn để làm chất đốt.
Với hàng loạt ưu điểm vượt trội như vậy, từ cuối năm 2007 - thời điểm công trình nghiên cứu đã hoàn chỉnh và đi vào vận hành - cả hai tác giả trở nên khá bận rộn vì nhiều hợp đồng lắp đặt và chuyển giao công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi tái tuần hoàn cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Tính đến cuối năm 2011, đã có 12 hợp đồng lớn được thực hiện và “trải rộng” trên nhiều lĩnh vực sản xuất như rượu bia, giấy, thức ăn gia súc, cao su... Điển hình là hợp đồng chuyển giao công nghệ lò hơi kiểu tầng sôi cho Công ty TNHH SX-TM Tân Quảng Phát ở Bình Dương, Công ty CP Rượu bia Hà Nội ở Hà Nội, Công ty CP Năng lượng điện hơi công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Phát triển nguồn lợi thủy sản ở Quảng Nam... với tổng giá trị hợp đồng trên 60 tỷ đồng. Qua phản hồi từ các doanh nghiệp cho thấy, trung bình mỗi năm nhờ tận dụng các nguồn nhiên liệu xấu này đã giảm khoảng 200 tỷ đồng mua dầu DO và khoảng 60 tỷ đồng mua than đá vận hành các lò đốt. Tuy nhiên theo hai tác giả, kết quả này chỉ mới khởi đầu, vì chỉ riêng khu vực nông nghiệp mỗi năm phát sinh khoảng trên 700 triệu tấn sinh khối, nếu triển khai rộng rãi sử dụng lò sôi kiểu tầng hơi tái tuần hoàn, mỗi năm sẽ tiết kiệm tương đương 3 ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể đến lợi ích “khó cân đo” về mặt môi trường sinh thái. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho các lò hơi hoạt động là dầu DO với giá liên tục tăng, đây có thể nói là một lời giải rất tốt.
Bài và ảnh: THANH VÂN