.

Sản xuất phần mềm tại Đà Nẵng

.

Ngành công nghiệp phần mềm tại Đà Nẵng đã có những bước phát triển vững chắc. Trong đó phải kể đến nhiều doanh nghiệp (DN) phần mềm đã và đang đầu tư nhân lực và hạ tầng sản xuất phần mềm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Các kỹ sư đang sản xuất phần mềm tại Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech).
Các kỹ sư đang sản xuất phần mềm tại Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech).

Các cơ quan, DN ngày càng phát triển đòi hỏi cần nhiều giải pháp ứng dụng để nâng cao sản xuất, tăng tính bảo mật và giúp công việc được nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực phần mềm đã nỗ lực sản xuất phần mềm, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho khách hàng.

Hơn 10 năm qua, Công ty CP Softech Đà Nẵng ngoài việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT đang có những bước tiến trong việc xây dựng các giải pháp phần mềm. Nhiều giải pháp ra đời như: Giải pháp quản lý tổng thể DN; quản lý nhân sự - chấm công -tiền lương; khai báo Hải quan điện tử; quản lý kinh doanh bất động sản… góp phần giúp DN giảm chi phí, thời gian, gia tăng cơ hội thu nhập và mang lại ưu thế cạnh tranh. Ông Vy Văn Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Softech cho biết, hơn 10 năm qua, công ty đã thực sự đứng vững trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp các giải pháp và dịch vụ CNTT ở khu vực miền Trung và cả nước. Nhiều năm qua, công ty đã có hàng chục giải pháp khác nhau phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, quản trị DN, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu phần mềm của thành phố…

Ngoài Softech, nhiều công ty khác cũng đã có nhiều phần mềm hữu ích giúp các DN, tổ chức phát triển và gia tăng hiệu quả quản lý, như Công ty TNHH Phần mềm Máy tính Nhật Bản (JCS) đã đưa nhiều giải pháp bảo mật, mạng và phần mềm đến các DN tại Đà Nẵng và cả nước. Những giải pháp này cũng đã hỗ trợ đắc lực trong việc giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả sản xuất và tối đa hóa lợi nhuận cho DN. Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) hơn 5 năm qua cũng cung cấp nhiều ứng dụng khác nhau, đặc biệt là các giải pháp-hệ thống quản lý đặc trưng cho các cơ quan-DN, giải pháp Chính phủ điện tử, giải pháp DN, y tế, giáo dục… góp phần thúc đẩy sự thành công cho các cơ quan, DN…

Bên cạnh đó, phải kể đến nỗ lực của thành phố và các sở, ban, ngành trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để các DN có thể ứng dụng tốt các hiệu quả của CNTT. Cùng với đó, việc Công viên Phần mềm Đà Nẵng đi vào hoạt động đã tạo môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi cho nhiều DN phần mềm trên địa bàn. Nhiều công ty phần mềm trong và ngoài nước như Tập đoàn FPT, Magrabbit, Enclave, IBM… đã làm việc tại đây. Hiện Công viên Phần mềm Đà Nẵng có hơn 40 DN CNTT thuộc các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu phần mềm và nội dung số đang hoạt động, trong đó có 10 DN nước ngoài với khoảng 2.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên viên, lập trình viên và các chuyên gia trong nước, quốc tế thường xuyên đến làm việc. Trong năm 2011, doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 13.500.000 USD. Với doanh số gia công xuất khẩu phần mềm có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 35 đến 40%/năm, kỳ vọng những năm tiếp theo, ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng sẽ có những bước phát triển tốt.

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.