Phải đến năm 2005, nước ta mới có cơ quan quản lý Nhà nước địa phương chuyên ngành về thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng viễn thông đô thị trong suốt thời gian đó diễn ra một cách tự phát, tùy tiện, không có quy hoạch đã gây nên nhiều bất cập.
Nhân viên Công ty Điện lực Đà Nẵng đang triển khai sắp xếp cáp thông tin trên tuyến đường Hùng Vương, Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH |
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay Trung ương vẫn chưa có quy định về phát triển hạ tầng viễn thông. Các dự án phát triển viễn thông của các tập đoàn, tổng công ty tại Đà Nẵng không tuân thủ quy hoạch của địa phương; không có sự góp ý hay thẩm định của địa phương. Vì vậy, việc thực thi quy hoạch viễn thông chưa kết hợp với phát triển đô thị, giao thông ngay từ thiết kế. Ví dụ, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, đường giao thông khi quy hoạch và thiết kế không bố trí vị trí đi ngầm cáp thông tin, trạm thu phát sóng di động.
Quản lý Nhà nước về hạ tầng viễn thông liên quan đến nhiều cơ quan và chưa được luật hóa nên việc thực thi thường chậm, khó thống nhất. Ví dụ, đối với cáp thông tin, Sở TT&TT quản lý về viễn thông, Sở Công thương quản lý về điện lực, Sở Xây dựng quản lý không gian, kiến trúc đô thị, Sở Giao thông-Vận tải quản lý hạ tầng giao thông (sử dụng mặt đường, vỉa hè), UBND các quận, huyện quản lý một số tuyến đường giao thông theo phân cấp. Năm 2011, Đà Nẵng đã tổ chức sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa 75km cáp thông tin nhưng đây mới chỉ là con số rất nhỏ.
Việc kiểm định chất lượng dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT thống nhất thực hiện trên toàn quốc, lực lượng chuyên môn mỏng, lại không phân cấp cho địa phương. Trong khi đó, địa phương có đủ nguồn nhân lực nhưng không có chức năng kiểm tra chất lượng dịch vụ, không được trang bị phương tiện đo kiểm, nên việc kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ viễn thông nhìn chung còn rất khó khăn.
Về dịch vụ viễn thông di động, thành phố Đà Nẵng hiện có 7 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động với gần 1.700 trạm thu phát sóng (BTS). Việc phát triển trạm BTS là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên vấn đề là có quá nhiều nhà mạng mà mỗi nhà mạng lại tự phát triển trạm, không dùng chung trụ ăng-ten, dẫn đến gây mất mỹ quan và lãng phí tài nguyên chung. Việc quy định xây dựng trạm BTS dùng chung trụ ăng-ten trong bán kính 300m của thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2007 vẫn không được các nhà mạng hưởng ứng nhiều vì không có văn bản luật quy định. Từ năm 2011, mô hình “trạm BTS thân thiện môi trường” ngụy trang giống bồn nước, máy điều hòa, cột điện chiếu sáng đã được triển khai trên địa bàn thành phố với mục tiêu cuối năm 2012 đạt 15%. Tuy nhiên, Trạm BTS thân thiện môi trường phủ sóng ngắn và đi ngang sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khu vực xung quanh. Vì vậy, giải pháp tăng cường dùng chung trụ ăng-ten là hiệu quả nhất nhưng các nhà mạng chỉ “chấp nhận chia sẻ” khi có luật định.
Cáp nổi giăng dày đặc trên đường Lê Đình Dương. |
Ông Lương Hồng Khanh, Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện đồng bộ hơn để các doanh nghiệp viễn thông đều phải nghiêm túc chấp hành, tránh tình trạng doanh nghiệp nào thực hiện nghiêm túc thì bị thiệt thòi, trong khi các doanh nghiệp khác không thực hiện tốt cũng chưa bị xử lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thay thế và hỗ trợ thêm cho các biện pháp hành chính thì sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn như cắt đường truyền đại lý Internet vào ban đêm, thực tế cơ quan quản lý địa phương không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt. Lý do chính là Luật Viễn thông ra đời tháng 12-2009, văn bản hướng dẫn Luật chưa ban hành đầy đủ, dẫn đến chưa có công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu về viễn thông.
Đà Nẵng đã có quy hoạch chi tiết phát triển bưu chính, viễn thông thành phố đến năm 2020 và có quy định lộ trình phát triển mạng cáp thông tin, trạm BTS theo quy hoạch phát triển đô thị (cải tạo, mở rộng đường giao thông; xây dựng khu công nghiệp, đô thị, dân cư). Song một khi hành lang pháp lý chưa được tạo ra nhanh chóng, đầy đủ và biện pháp chế tài không đủ mạnh thì việc triển khai thực hiện quy hoạch này sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng “đụng đâu cũng vướng”.
PHƯƠNG NGUYỄN