Sáng 23-4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ đã làm việc với Đoàn Công tác liên ngành Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về khảo sát tình hình phát triển KH&CN trên địa bàn thành phố, do đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN làm trưởng đoàn.
Buổi làm việc của đoàn tại Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Báo cáo của Thành ủy cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước” và Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động, trong đó có chương trình phát triển KH&CN và các văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN ở các địa phương, đơn vị mình theo quan điểm “KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực trực tiếp phát triển KT-XH” và đã góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH của thành phố. Một số đề tài, dự án tiêu biểu được thực hiện thành công như: Thử nghiệm trồng cỏ Vetiver chống sạt lở trên tuyến đường du lịch Bà Nà, nghiên cứu áp dụng mô hình xử lý chất thải cho các hộ sản xuất đá mỹ nghệ tại Non Nước, nghiên cứu chế tạo máy sấy thóc, ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind và trồng tre lấy măng…
Một số kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, vật liệu mới… bước đầu đã đem lại những lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Đặc biệt, việc thành lập Khu Công nghệ cao là điểm sáng của nền công nghiệp thành phố. Thành phố cũng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng cao, ban hành và đang triển khai thực hiện Đề án đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành chuyên môn về KH&CN phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố. Từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục nghiên cứu tạo ra sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng về công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác; xây dựng 5 nhóm nghiên cứu chuyên sâu của thành phố thuộc các lĩnh vực: Hệ thống tự động tích hợp, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, cơ khí chính xác; phát triển kinh tế biển; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn hiện nay của ngành KH&CN nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng, đó là việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho KH&CN, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KH&CN, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống còn hạn chế, số lượng đề tài nghiên cứu có quy mô lớn còn ít…
Đồng chí Trần Thọ cho biết, hiện nay thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Trong 5 hướng đột phát mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra thì hướng đột phá KH&CN được ưu tiên thứ 2. Thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các chế độ chính sách đãi ngộ và đã thu hút khoảng 20% nguồn lực từ ngoại tỉnh. Qua buổi làm việc, đồng chí cũng đề xuất Trung ương cần có cơ chế đặc thù về phát triển KH&CN cho thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị; giúp thành phố diệt cây bìm bìm trên bán đảo Sơn Trà…
Đồng chí Trần Văn Tùng đã ghi nhận những ý kiến đề xuất của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Đồng chí cũng lưu ý rằng, ngoài Sở KH&CN, thành phố cần quan tâm, huy động thêm các lực lượng làm khoa học của Trung ương đóng trên địa bàn, các khối doanh nghiệp Nhà nước…; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước cho KH&CN; phát triển Khu công nghệ cao tránh rơi vào trường hợp khu công nghiệp bình thường…
ĐOÀN LƯƠNG