.

Đối thoại với chính quyền qua ứng dụng CNTT

.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Có thể nói, thông tin là nguồn lực để DN pháp triển, nếu thiếu thông tin, DN sẽ gặp khó trong quá trình hoạch định, ra quyết sách và xây dựng định hướng phát triển SXKD cho DN mình. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, chương trình cải cách hành chính, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong quá trình lựa chọn và cung cấp thông tin cho DN… song nhiều DN vẫn “kêu” các cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của DN, nhiều mong mỏi của DN vẫn chưa thỏa mãn đầy đủ.

DN cần đối thoại với chính quyền địa phương để tiếp cận tốt thông tin.
DN cần đối thoại với chính quyền địa phương để tiếp cận tốt thông tin.

Mới đây, trong một cuộc điều tra khảo sát của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia về nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin của các DN nhỏ và vừa tại 1.000 DN ở 5 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng, tại câu hỏi về những khó khăn của DN trong quá trình thu thập thông tin phục vụ SXKD, một điểm đáng lưu ý là có tới 50% DN cho rằng tương đối khó khăn khi tiếp cận với các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này đồng nghĩa với việc DN gặp khó khi cập nhật, thụ hưởng các thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước, các chương trình trợ giúp của Chính phủ cũng như sự thay đổi của các văn bản pháp quy… Vì vậy, đối với các DN, điều cấp thiết là cần có một kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền địa phương và DN để mọi thắc mắc của DN được giải đáp kịp thời, chính xác, giúp DN ra quyết định lựa chọn sản phẩm, thị trường hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Với những mong muốn mang tính cấp thiết trên của các DN, tháng 4 vừa qua, tại hội thảo về Giải pháp xây dựng hệ thống đối thoại giữa chính quyền địa phương và DN thông qua ứng dụng CNTT do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức tại 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Lào Cai và An Giang đã thảo luận về mô hình giải pháp xây dựng hệ thống đối thoại giữa chính quyền địa phương và DN ứng dụng hạ tầng khóa công khai (PKI) do Công ty CP Công nghệ và Truyền thông CK (CKCA) cung cấp. “Mô hình này cho phép DN sử dụng chữ ký số và tài khoản truy cập của mình để đăng nhập và xem các nội dung đối thoại giữa chính quyền và DN. Khi DN có câu hỏi hoặc ý kiến thì nhấp “chuột” vào chức năng soạn thảo ý kiến và ký số vào nội dung trước khi đăng. Chính quyền địa phương cũng được cấp chữ ký số, tài khoản giống như DN. Các cơ quan tham gia bao gồm UBND tỉnh (thành phố), các sở, ban, ngành, trong đó UBND tỉnh nắm quyền chủ trì đối thoại, các câu hỏi và ý kiến của DN khi gửi đến sẽ được UBND tỉnh trả lời trực tiếp hoặc chuyển đến các sở, ban, ngành chức năng tương ứng để trả lời”, ông La Thế Hưng, Giám đốc Công ty CKCA, cho biết.

Với những tính năng mà mô hình đối thoại PKI này mang lại như nâng cao tính bảo mật của các cuộc đối thoại, hạn chế các cuộc đối thoại nặc danh…, hầu hết các DN đều mong muốn mô hình này sẽ sớm được triển khai, nhân rộng. Anh Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm - ĐH Đà Nẵng, cho rằng: “Việc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền địa phương và DN nhiều lúc làm mất nhiều thời gian mà không phải lúc nào DN cũng có thể gặp đúng đối tượng cần đối thoại. Vì vậy, mô hình này ra đời sẽ góp phần giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn với thông tin”. Ngoài ra, các DN và đại diện chính quyền địa phương cũng mong muốn, hệ thống ra đời cần tích hợp với những phần mềm đang hoạt động tốt hiện nay. Đồng thời, trong mô hình cần có phần hành lang luật pháp để bắt buộc các đơn vị công quyền có nghĩa vụ trả lời DN theo đúng hạn định. Có như vậy, mô hình mới hoạt động có hiệu quả.

Bài và ảnh: ĐAN TÂM

;
.
.
.
.
.