.

Băn khoăn xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao

.

Đà Nẵng bắt tay xây dựng Khu công nghệ cao (KCNC) sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh 10 năm. Sự chuẩn bị về hạ tầng và xúc tiến đầu tư lại rơi vào thời điểm không thuận lợi vì kinh tế thế giới khủng hoảng. Những tuyên bố về thất bại, khó khăn của hai khu công nghiệp (KCN) Hòa Lạc và thành phố Hồ Chí Minh đang là lời cảnh báo đối với việc phát triển khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Đà Nẵng xúc tiến đầu tư vào khu công nghệ cao và  khu CNTT tập trung.
Đà Nẵng xúc tiến đầu tư vào khu công nghệ cao và khu CNTT tập trung.

Tình trạng phát triển ồ ạt các KCN chạy theo số lượng của hầu hết các địa phương trong cả nước hàng chục năm nay đã để lại những hậu quả chưa có giải pháp căn cơ xử lý. Đó là bài toán về ô nhiễm môi trường, về chiếm dụng quỹ đất, khả năng tạo ra giá trị gia tăng thấp và các vấn đề an sinh xã hội. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghiệp hóa dựa vào lợi thế cạnh tranh và lợi thế xuất khẩu trong thời kỳ này. Tuy nhiên, khi giao thương toàn cầu không có hàng rào biên giới  thì hai chiến lược này cần phải được thay thế bằng chiến lược công nghiệp hóa dựa vào sức cạnh tranh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà lực lượng phát triển chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là thực tế khách quan để thấy được nhu cầu cần thiết phải phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đối với thành phố Đà Nẵng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn sơ khai nhưng khát vọng của thành phố muốn đi tắt đón đầu bằng ưu tiên tập trung phát triển công nghệ cao, tạo ra một áp lực lớn trong công tác xúc tiến đầu tư. Chính những người trực tiếp làm công tác xúc tiến đầu tư  của thành phố cũng chưa xác định rõ được đâu là tiêu chí để lựa chọn các dự án vào KCNC này. Lý do băn khoăn là bởi KCNC thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành 9 năm nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, trên tổng thể lộ trình phát triển thì KCNC này chưa phát triển đúng tầm và mục tiêu đề ra, vẫn còn ít công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài có uy tín về khoa học công nghệ trên các lĩnh vực đầu tư. Hoạt động nghiên cứu chưa tạo được nhiều sức lan tỏa để thu hút các công ty trong nước đến với KCNC. Nhìn chung, những gì đạt được sau 9 năm xây dựng và phát triển, KCNC thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tạo được dấu ấn khác biệt với các KCN khác. Những ám ảnh về một KCNC nhưng lại mang bản chất của một KCN kỹ thuật cao vẫn còn nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người quan tâm chiến lược xây dựng KCNC.

KCNC Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đã 10 năm xây dựng, song so với yêu cầu đặt ra, tiến độ xây dựng còn quá chậm. Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ  đã yêu cầu Ban Quản lý phải rà soát lại các dự án đã đăng ký, nếu dự án nào không đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra phải dứt khoát thu hồi giấy phép đầu tư. Về thu hút đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh đây là KCNC, vì vậy các dự án đầu tư phải thực sự là những dự án công nghệ cao, phải xác định rõ tiêu chí lựa chọn các dự án vào KCNC này.

KCNC Đà Nẵng theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 100ha đất sạch đầu tiên trong giai đoạn 1 của dự án để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã tổ chức hàng loạt các sự kiện nhằm vận động, xúc tiến đầu tư vào KCNC và khu CNTT tập trung. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng, khu KCNC Đà Nẵng sẽ đối mặt với những khó khăn về vốn vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương. Tình hình xúc tiến đầu tư cũng không mấy lạc quan và chưa thể có nhà đầu tư nhanh theo yêu cầu. Phần lớn các nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng chưa có kế hoạch đầu tư vì chưa thực sự quan tâm.

Xây dựng KCNC là chủ trương hết sức đúng đắn nhằm phục vụ cho quá trình CNH-HĐH đất nước. Trong một diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế gần đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã đưa ra nhận định: Không nên nghĩ rằng đất nước mình có thể đi lên bằng công nghệ cao trong giai đoạn này vì công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn mà điều này thì càng ngày càng khó; nguồn nhân lực hiện nay cũng chưa sẵn sàng để áp ứng. Việc tận dụng lợi thế của nước đi sau để bắt kịp cần phải dựa vào cả công nghệ cao và phát triển ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.