.

Tàu thăm dò trị giá 2,5 tỷ đô hạ cánh thành công xuống sao Hoả

.

(ĐNĐT) - Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho hạ cánh thành công một tàu thăm dò trị giá 2,5 tỷ USD xuống sao Hoả để tìm hiểu xem có thể có sự sống bên ngoài trái đất hay không.

Hình minh họa cú đổ bộ của thiết bị tự hành Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: Space.
Hình minh họa cú đổ bộ của thiết bị tự hành Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: Space.

Tàu thăm dò nặng 1 tấn, tên gọi Curiosity, đã hạ cánh xuống một hố sâu gần xích đạo của sao Hỏa vào khoảng 5h32 giờ GMT ngày 6-8 sau chuyến đi dài hơn 8 tháng từ trái đất. Curiosity là tàu thăm dò "hành tinh Đỏ" lớn nhất và cũng là hiện đại nhất của NASA cho tới nay.

Cú hạ cánh thành công của Curiosity sẽ mở màn cho một sứ mệnh kéo dài ít nhất 2 năm để tìm kiếm các bằng chứng về việc liệu “hành tinh Đỏ” có thể hỗ trợ sự sống hay không.

Ảnh mô phỏng tàu Curiosity trên sao Hoả.
Ảnh mô phỏng tàu Curiosity trên sao Hoả.

Một tín hiệu xác nhận rằng, tàu tự hành đáp xuống bề mặt sao Hoả an toàn đã được gửi về trái đất thông qua vệ tinh Odyssey của NASA, vốn đang hoạt động trên quỹ đạo quanh sao Hoả.

Các tràng pháo tay giòn giã đã vang lên tại trung tâm kiểm soát sứ mệnh thuộc Phòng thí nghiệm Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA (JPL) ở Pasadena, bang California sau khi Curiosity đáp xuống sao Hoả thành công. Các kỹ sư và các nhà khoa học làm việc trong dự án Curiosity 10 năm qua đã không giấu nổi niềm vui sướng, cùng bắt tay và ôm hôn chúc mừng.

Những hình ảnh đầu tiên về bề mặt “hành tinh Đỏ” với độ phân giải thấp - trong đó có một bức chụp bánh xe của Curiosity và bóng con tàu - ngay lập tức đã được gửi về trái đất. Dự kiến, các bức ảnh màu độ phân giải cao về khu vực xung quanh tàu thăm dò sẽ được chuyển về trong vài ngày tới.

Niềm vui của các kỹ sư và các nhà khoa học thuộc dự án Curiosity sau khi tàu thăm dò sao Hoả hạ cánh thành công.
Niềm vui của các kỹ sư và các nhà khoa học thuộc dự án Curiosity sau khi tàu thăm dò sao Hoả hạ cánh thành công.

Quá trình Curiostiy đáp xuống sao Hoả sau hành trình dài 570 triệu km từ trái đất được ví là “7 phút kinh hoàng” - khoảng thời gian mà nó cần để hoàn thành một loạt các hành động tự động và đầy rủi ro nhằm bay chậm lại từ vận tốc 20.000km/h để cho phép các bánh của nó tiếp đất nhẹ nhàng.

Nhóm Curiosity đã có 13 phút căng thẳng để chờ đợi các tín hiệu từ Odyssey và Curiosity gửi về trái đất.

Hình ảnh đầu tiên của Curiosty được gửi về trái đất.
Hình ảnh đầu tiên của Curiosty được gửi về trái đất.

Tàu Curiosity được phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida hồi tháng 11 năm ngoái. Đây là tàu thăm dò thứ 4 mà NASA phóng lên “hành tinh Đỏ”, nhưng quy mô và độ tinh vi của nó hơn hẳn các dự án trước đó.

Niềm vui vỡ oà khi tàu thăm dò hạ cánh thành công.
Niềm vui vỡ oà khi tàu thăm dò hạ cánh thành công.

Nhiệm vụ của Curiosity là đánh giá xem liệu sao Hỏa đã từng có, hoặc vẫn còn cho đến ngày nay, một môi trường có khả năng tạo điều kiện cho các vi sinh vật tồn tại hay không. Tổng chi phí cho dự án Curiosity lên tới khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo kế hoạch ban đầu, Curiosity dự kiến sẽ hoạt động trên sao Hoả khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nhiều người hi vọng rằng sứ mệnh này sẽ tiếp tục, có thể kéo dài tới 1 thập niên hoặc hơn.

Theo AP, BBC

 

;
.
.
.
.
.