Sáng 12-10, tại xã Hòa Tiến (Hòa Vang), Ban Quản lý dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP-BDP) thuộc Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo về Chương trình khí sinh học và ngành chăn nuôi.
Các tham luận đã đề cập về tình hình chăn nuôi ở thành phố Đà Nẵng hiện nay, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ khí sinh học trong xử lý chất thải từ chăn nuôi giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hộ chăn nuôi quy mô 50 con trở lên, có công trình khí sinh học, ngoài bảo vệ môi trường, đun nấu, khí gas có thể sử dụng chạy máy phát điện cỡ nhỏ, tiết kiệm 24 triệu đồng tiền sử dụng điện/năm.
Được biết, trong 2 năm 2011-2012, với nguồn hỗ trợ 1,2 triệu đồng/công trình, Chương trình phát triển khí sinh học ở Đà Nẵng đã đưa 54 công trình vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu về độ bền vững và khả năng sinh khí cao, góp phần tích cực vào việc giải quyết khâu ô nhiễm môi trường tại nông thôn. Hiện tại còn khoảng 100 hộ đã đăng ký tham gia chương trình này nhưng chưa được đáp ứng.
N.C