Theo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành thì sau 3 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (tức đến ngày 1-9-2012), thuê bao di động trả trước không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động. Tuy vậy đến nay, sau hơn 4 tháng, sim đã kích hoạt sẵn với khuyến mại lớn của các nhà mạng chưa đăng ký hoặc đăng ký thông tin không chính xác (sim rác) vẫn tồn tại...
Không quảng cáo rầm rộ nhưng khi khách hàng có nhu cầu, chủ cửa hàng vẫn cung cấp đầy đủ các loại sim rác. (Ảnh có tính minh họa) |
Nan giải
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh sim card trên địa bàn tuy không còn quảng cáo sim khuyến mãi rầm rộ như trước, song khi khách hàng có nhu cầu, chủ cửa hàng vẫn cung cấp các loại sim với đủ mệnh giá. Tại một cửa hàng trên đường Ông Ích Khiêm, khi chúng tôi hỏi mua sim giá rẻ, cô chủ cửa hàng bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi danh sách một loạt sim của các mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnammobile... giá nào cũng có. Sau khi mua xong, chúng tôi hỏi muốn đăng ký thông tin thuê bao, cô chủ không ngần ngại cho biết: “Sim này đã được đăng ký rồi nên cứ dùng đi, hồi nào thích thì mang CMND đến các đại lý ủy quyền của nhà mạng để đăng ký, còn không thích thì dùng xong vụt đi. Như cô đây, dùng sim 2-3 năm ni không đăng ký mà có sao đâu”.
Thực trạng này cho thấy, các cửa hàng kinh doanh sim card vẫn “thờ ơ” và vô tư bán sim giá rẻ cho khách hàng mà không quan tâm đến những quy định về quản lý thuê bao trả trước. Không những thế, họ còn cố tình “lách” bằng cách nhờ bạn bè hoặc người thân đứng tên đăng ký hộ sim… Còn khách hàng thì cũng chỉ nghĩ đến việc mua sim có khuyến mãi càng nhiều càng tốt, vì vậy, họ chỉ đăng ký đầy đủ thông tin 1 sim thường xuyên sử dụng, còn lại mua sim khuyến mãi về dùng. Một chị đang mua sim giá rẻ cho biết, dùng 1 sim đăng ký là được rồi, còn lại dùng sim khuyến mãi cho đỡ tốn. Nếu lỡ có bị khóa sim thì cũng không tiếc vì giá cả không bao nhiêu. Nói xong, chị đưa 1 sim vừa mua cho tôi xem: “Như cái sim này, mua có 80 ngàn mà có trong tài khoản 230 ngàn thì cứ mua nhiều vô mà dùng”. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý thông tin thuê bao trả trước vẫn còn nan giải.
Cần quyết liệt hơn
Trước tình hình sim rác vẫn tồn tại như hiện nay, ngay sau khi Thông tư 04 có hiệu lực, Thanh tra Sở TT&TT đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước tại các công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động trên địa bàn. Nhìn chung, các đơn vị đã triển khai các quy định của Thông tư 04 cho Viễn thông các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên; triển khai việc thực hiện Thông tư 04 tới các đơn vị trực thuộc. Tại một số điểm giao dịch ủy quyền đã trang bị đủ các thiết bị để lưu giữ và đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng (có máy tính nối mạng Internet, máy scan, phiếu đăng ký thông tin khách hàng…); quy trình cập nhật thông tin cũng khá rõ ràng, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý của doanh nghiệp đối với khách hàng của mình. Song nhiều sai phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để như: Đại lý ủy quyền vẫn thực hiện chưa đúng quy trình đăng ký thông tin; nhiều đại lý vẫn chấp nhận thông tin không đúng để đăng ký và vẫn bán sim đã kích hoạt sẵn…
Ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở TT&TT, cho biết qua kiểm tra một số doanh nghiệp, đại lý cung cấp dịch vụ di động trên địa bàn, Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý đối với 4 doanh nghiệp viễn thông và 3 đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đã thực hiện không đúng việc quản lý thuê bao di động trả trước. Đồng thời, Sở TT&TT đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát lại việc thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước; yêu cầu các thuê bao có thông tin không chính xác tiến hành đăng ký lại thông tin tại các điểm giao dịch của nhà mạng; tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ quy định của Thông tư 04 đối với chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao nhằm ngăn chặn và hạn chế vấn nạn sim rác như hiện nay.
Bài và ảnh: THANH TÌNH