.

10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2012

.

Năm 2012 là một năm tràn ngập sự kiện khoa học trên khắp thế giới. Trong số những sự kiện nổi bật được đề xuất, tạp chí TIME đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất trong năm 2012 để vinh danh.

1/ Tàu thám hiểm tự hành Curiosity đặt chân lên sao Hỏa

Tàu thám hiểm sao Hỏa – Curiosity đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa vào lúc 6:32 (giờ GMT) ngày 6-8 sau hành trình dài 570 triệu km trong vòng 36 tuần, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên hành tinh Đỏ trong vòng 2 năm.

Các kỹ sư và nhà khoa học đã phải làm việc hết công suất trong dự án xây dựng tàu Curiosity trong gần 10 năm với khoản tiền đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD.

Không phụ lòng kỳ vọng, tàu Curiosity đã xuất sắc vượt qua giai đoạn được các nhà khoa học NASA gọi là “7 phút kinh hoàng”. Trong đó, Curiosity bay xuyên qua bầu khí quyển sao Hỏa có mức nhiệt độ lên tới 871 độ C với vận tốc đạt 20.000km/h.

Curiosity là tàu thám hiểm sao Hỏa thứ 4 và hiện đại nhất được NASA đưa lên quỹ đạo. Nó có khả năng chuyên chở 75 kg thiết bị khoa học – sức chở lớn gấp 10 lần so với những con tàu thám hiểm thế hệ đầu của Mỹ.

2/ Tàu vũ trụ thương mại Dragon ghép nối với Trạm ISS

Dragon trở thành con tàu vũ trụ thương mại tư nhân đầu tiên thực hiện ghép nối với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ngoài phi đội tàu con thoi của Mỹ đã chính thức nghỉ hưu hồi năm 2011 và tàu Soyuz của Nga.

Sau khi đội tàu con thoi của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức nghỉ hưu vào hồi năm ngoái, NASA đã hợp tác với các hãng công nghệ tư nhân tiến hành nghiên cứu và phát triển những thế hệ tàu chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Trong đó, Dragon trở thành con tàu vũ trụ tư nhân chuyên chở hàng hoá đầu tiên đuợc NASA chọn lựa.

Từ Căn cứ Không quân Cape Canaveral, vào lúc 0 giờ 35 phút (GMT) ngày 8-10, tên lửa đẩy Falcon 9 cao 48 m của công ty SpaceX đã được khai hoả mang theo con tàu vũ trụ Dragon vào không gian. Dragon đã thực hiện kết nối với trạm ISS vào ngày thứ Tư (10.10).

Tàu vận tải Dragon mang theo gần 400 kg hàng hoá bao gồm thực phẩm, quần áo, trang thiết bị khoa học cho trạm ISS đặc biệt là một "chiếc tủ lạnh" chuyên vận chuyển các mẫu thí nghiệm y tế thậm chí cả món kem yêu thích của các phi hành gia lên quỹ đạo và trở về Trái đất.

Hồi tháng 5, công ty SpaceX cũng đã tiến hành lần phóng thử nghiệm tàu vận tải Dragon lên trạm ISS. Nhờ thành công của vụ phóng thử, SpaceX đã nhận được bản hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD từ NASA để thực hiện các sứ mệnh chở hàng hoá lên trạm ISS – phòng nghiên cứu thí nghiệm trên không gian trị giá 100 tỷ USD với sự đóng góp của 15 quốc gia.

3/ Triều Tiên phóng vệ tinh thất bại

Hôm 13-4, Triều Tiên đã buộc phải thừa nhận thất bại trong vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào qũy đạo bằng tên lửa Unha-3.

Theo thông tin từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc, chỉ sai 2 phút rời khởi bệ phóng, tên lửa Unha-3 đã nổ tung và rơi xuống bán đảo Triều Tiên cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc 105 dặm về phía tây.

Điều đáng nói vụ phóng hồi tháng 4 là lần đầu tiên Triều Tiên mời giới truyền thông thế giới tới theo dõi và đưa tin. Tuy nhiên, tới phút chót, vụ phóng đã gặp thất bại. Đây cũng là kết quả đáng thất vọng với Triều Tiên ngay tại thời điểm, nước này tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch - Kim Nhật Thành.

4/ Siêu bão Sandy - Thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu

Không ai có thể nói chính xác trách nhiệm của con người trong việc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Song siêu bão Sandy là một minh chứng cụ thể khi vào hồi cuối tháng 10 vừa qua, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, đồng thời gây ngập lụt nặng nề khắp thành phố New York, đẩy hơn 8 triệu người vào cảnh sống tối tăm mất điện.

Một điều rõ ràng, biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng cao là một trong những mối đe dọa tiềm tàng để hình thành những siêu bão mạnh hơn cả cơn bão Sandy.

Sandy là cơn bão mạnh nhất trong vòng 100 năm qua đổ bộ vào khu vực đất liền nước Mỹ. Cơn bão cũng đã kịp cuốn theo 69 người tại vùng biển Caribbean trước khi đổ bộ vào nước Mỹ.

5/ 2012 – Năm nóng nhất lịch sử

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hàng loạt tác động tiêu cực không thể dự đoán trước trong đó có việc khí hậu đang ngày càng ấm hơn. Năm 2012 là năm đạt kỷ lục nóng nhất trên toàn cầu.

Thậm chí, ngay trong thời điểm mùa đông, các bang Minnesota và Bắc Dakota của Mỹ vốn chìm trong bão tuyết thì nay lại đang trải qua những ngày thời tiết ấm áp. Theo dữ liệu thống kê, tháng 7 là tháng nóng nhất tại Mỹ - nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạn hán kéo dài, đẩy giá lương thực tăng cao và gây bất ổn an ninh lương thực toàn cầu.

 

6/ Lần đầu tiên khoan dầu tại Bắc Cực

Hồi tháng 9, với sự cho phép của chính quyền tổng thống Mỹ - Barack Obama, tập đoàn Shell đã bắt đầu tiến hành khoan giếng dầu ngoài khơi cách bờ biển phía bắc Alaska 113 km. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã buộc phải ngừng lại tới mùa hè năm 2013 do tình trạng băng trôi tại Bắc Cực.

Mặc dù Bắc Cực là nơi ẩn giấu trữ lượng lên tới hàng tỷ thùng dầu song việc tiến hành khai thác tại một vùng xa xôi hẻo lánh và khí hậu buốt giá khiến không ít chuyên gia lo ngại và cả những vấn đề liên quan tới môi trường.

 

7/ Hạn hán hoành hành khắp nước Mỹ

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, nước Mỹ đã phải hứng chịu đợt siêu hạn hán nặng nề nhất trong lịch sử khi có tới 3/4 bang chịu cảnh "trắng đồng". Theo ước tính, sản lượng ngũ cốc trên mỗi mẫu đã giảm mất 25% và đậu nành là 14%. Khoảng 2.500 hạt trên toàn nước Mỹ đã buộc phải nhận trợ cấp thảm họa do nạn hạn hán – một trong những nguyên nhân đẩy giá bán lẻ lương thực tăng thêm 3 – 4% trong năm tới.

 

 

 

8/ Diện tích băng Bắc Cực thấp kỷ lục

Năm 2012 được ghi nhận là năm tan chảy băng kỷ lục tại Bắc Cực. Biển băng Bắc Cực giảm chỉ còn 3,41 triệu km2 – mức thấp nhất kể từ khi hệ thống vệ tinh chính thức đi vào hoạt động đo đạc dữ liệu năm 1979 và thấp hơn 50% so với mức trung bình từ năm 1979 – 2000.

Theo các nhà khoa học, nếu tốc độ tan chảy của băng Bắc Cực vẫn duy trì với tốc độ như hiện nay, thì chỉ tới cuối thập kỷ này, Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng vào mùa hè.

 

 

9/ Mặt trăng – Thủ phạm làm đắm tàu Titanic

Sau gần 100 năm, các nhà khoa học phát hiện mặt trăng chính là thủ phạm gián tiếp gây ra thảm họa đắm tàu Titanic huyền thoại vào năm 1912.

Con tàu Titanic huyền thoại siêu sang khổng lồ đã đâm trúng một tảng băng lớn cách đảo Newfoundland, Canada khoảng 640 km trong đêm và chìm hẳn xuống đại dương vào sáng sớm hôm sau tức ngày 15-4-1912, mang theo sinh mạng của 1.517 người, bao gồm vị thuyền trưởng danh tiếng Edward Smith.

Theo tài liệu nghiên cứu về hiện tượng trăng tròn vào tháng 1-1912 của nhà hải dương học Fergus Wood – 3 tháng trước khi xảy ra thảm họa đắm tàu Titanic, nhóm nghiên cứu của Olson cho rằng chính hiện tượng trên đã khiến thủy triều dâng cao hơn, làm các tảng băng trên vùng biển Greenland phân tách, sau đó trôi dạt hỗn loạn trên biển.

Trong sự kiện “siêu trăng” vào ngày 4-1-1912, mặt trăng và mặt trời đã xếp thẳng hàng với nhau, làm tăng lực hút của chúng với trái đất. Vào thời điểm đó, khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất đạt gần nhất trong vòng 1.400 năm và hiện tượng trăng tròn kết thúc đúng 6 phút trước khi mặt trăng tiến tới điểm gần trái đất nhất. Kết quả là những đợt thủy triều thấp trở nên thấp hơn, còn những đợt thủy triều cao lại càng cao hơn so với mức bình thường.

Theo lý thuyết, tảng băng mà tàu Titanic va phải vào tháng 4-1912 đã bị chìm ngoài khơi Greenland vào tháng 1-1912, nhưng chính thủy triều cao đã nâng các tảng băng lên khỏi mặt nước và đẩy chúng về phương nam theo hải trình của tàu.

10/ NASA nhận 2 kính thiên văn vũ trụ Hubble mới miễn phí

Kính thiên văn vũ trụ Hubble được xem là một trong những thiết bị khoa học thành công nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, Hubble đang trải qua những ngày cuối cùng trong thời gian sử dụng và khoản tài chính eo hẹp đang khiến tương lai của Hubble trở nên mù mịt.

Tuy nhiên, một tín hiệu vui đã tới với NASA khi vào hồi tháng 6, Qũy Khoa học quốc gia Mỹ đã phát hiện 2 kính thiên văn Hubble đời cổ được cất giấu tại kho Rochester, New York. Hai thiết bị này do Cơ quan Do thám quốc gia Mỹ (NRO) xây dựng song do nhiệm vụ thay đổi chuyển hướng chế tạo những thiết bị vệ tinh lớn hơn và có khả năng giám sát tốt hơn mà 2 kính thiên văn Hubble đã bị gác sang một bên.

Infonet

;
.
.
.
.
.