Từ năm 2008 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (LHH) liên tục có những công trình, sản phẩm, giải pháp tham gia các cuộc thi, hội thi, giải thưởng sáng tạo khoa học-công nghệ (KHCN) toàn quốc đạt giải cao. Năm nào Đà Nẵng cũng là địa phương trong tốp đầu của cả nước về số lượng và chất lượng các công trình, sáng kiến, giải pháp về KHCN.
Nghiên cứu ứng dụng KHCN vào đời sống là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của LHH. Hoạt động này trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Ông Phạm Kiều Đa, Chủ tịch LHH cho biết: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16-4-2010 “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động 48-CTr/TU, UBND thành phố có Quyết định 10196/QĐ-UBND để đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Qua đó cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN của LHH đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh của hệ thống LHH Đà Nẵng phát triển rộng khắp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, công ty, trung tâm tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, tài nguyên - môi trường, hóa chất, năng lượng, y dược, nông nghiệp... Phần lớn những công trình, giải pháp cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Một số công trình, giải pháp tiêu biểu của hội viên LHH được ứng dụng vào cuộc sống và đạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi sáng tạo, giải thưởng quốc gia. Đó là máy chữa cháy đa năng do kỹ sư Phạm Đình Phương chế tạo được Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng để phòng, chống cháy trạm biến áp và Công ty Gas Thành Tài. Năm 2012, tập đoàn công nghiệp chuyên về dệt may Morito của Nhật Bản ký hợp đồng sử dụng hệ thống này để bảo vệ 8 nhà máy trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Công trình nghiên cứu chế tạo đèn chiếu sáng sử dụng công nghệ Nano của kỹ sư Phạm Tài được áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố và các địa phương bạn. Công trình đạt giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2009. Công trình “Quy trình công nghệ sửa chữa máy biến áp 500kV” của nhóm kỹ sư: Nguyễn Tiến Dũng, Lê Đình Chiến, Nguyễn Đăng Quang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công trình đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2011 và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tặng giải thưởng. Cùng năm 2011, công trình “Chế tạo lò hơi đốt nhiên liệu xấu, kiểu tầng sôi, tái tuần hoàn” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Quang, Võ Chí Chính đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo KHCN được nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy trong nước ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để ứng dụng trong sản xuất như: Công ty Phát triển nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, Công ty cổ phần Rượu Hà Nội, Công ty cổ phần điện hơi công nghiệp Việt Nam. Giải pháp giám sát điều khiển trực tuyến từ xa hệ thống các máy bông, máy chải của tác giả Nguyễn Xuân Bình thuộc Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ đạt giải nhì Hội thi sáng kiến kỹ thuật toàn quốc lần thứ XI và được chọn tham dự triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng kiến, sáng chế năm 2012 tại Malaysia. Năm 2011, lần đầu tiên Đà Nẵng tham gia dự xét giải thưởng Cup Vàng sở hữu trí tuệ và có 2 doanh nghiệp: Công ty An Sinh Xanh và Công ty cổ phần Dệt may 29-3 đạt Cup Vàng.
Các nhà khoa học trong hệ thống LHH Đà Nẵng đã nghiên cứu ứng dụng thành công và chuyển giao công nghệ xử lý mùi tại các trạm ép rác của thành phố, công nghệ sấy bảo quản lúa giống, kỹ thuật trồng hoa ly và hoa tulip, hầm khí sinh vật biogas. LHH đã tổ chức CLB sáng tạo trẻ nhằm mục đích khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong nhà trường, giới trẻ, ươm mầm những nhà khoa học của thành phố. Năm nào thành phố cũng dẫn đầu cả nước về số lượng các mô hình, ý tưởng cũng như chất lượng đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo KHCN trẻ toàn quốc.
Bên cạnh đó LHH Đà Nẵng còn phát huy tốt vai trò tham gia tư vấn và phản biện xã hội rất hiệu quả đối với các chương trình, dự án của thành phố. Tiêu biểu là Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển KHCN Đà Nẵng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch Đà Nẵng đến năm 2020; Mô hình dự báo tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng; Công trình xây dựng trạm xử lý nước thải Hòa Xuân; đề tài nghiên cứu “Phông tư liệu Hoàng Sa”.
Những thành tựu nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào đời sống rất hiệu quả cho thấy: Từ sau Đại hội LHH thành phố lần thứ IV, ngày 10-4-2009, LHH thành phố có những bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động rất tích cực. Qua đó, khẳng định vai trò của LHH trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.
ĐOÀN SƠN