.

Vì sao doanh nghiệp thờ ơ với nghiên cứu khoa học?

.

Một số cán bộ quản lý ngành Khoa học và Công nghệ thành phố cho rằng doanh nghiệp (DN) lâu nay bỏ nghiên cứu khoa học, vì vài năm nay không thấy DN nào đăng ký đề tài, dự án KH-CN có sử dụng ngân sách Nhà nước. Họ đâu biết rằng nhiều DN vẫn say sưa với công tác nghiên cứu khoa học nhưng rất ám ảnh với việc phải đăng ký đề tài, dự án KH-CN cấp thành phố có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Công ty CP Cơ điện Miền Trung có nhiều sáng kiến chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và sửa chữa trạm biến áp.
Công ty CP Cơ điện Miền Trung có nhiều sáng kiến chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và sửa chữa trạm biến áp.

Một trong những lý do khiến DN không đăng ký đề tài, dự án KH-CN thử nghiệm cấp thành phố hay cấp Bộ được họ tiết lộ là thủ tục đăng ký quá rườm rà và sự thiếu tận tình hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Bất kỳ đối tượng nào quan tâm đến các thủ tục đăng ký đề tài hay dự án thử nghiệm đều được hướng dẫn đưa vài mẫu đăng ký về tự kê hoặc tự tra cứu các thông tin đã có trên trang web của Sở KH-CN. Là phóng viên, tôi tò mò muốn biết trên website của Sở KH-CN đã hướng dẫn như thế nào mà các DN đều lắc đầu. Quả thật đó là một liệt kê các văn bản hướng dẫn và các mẫu đăng ký chỉ xem thôi đã choáng ngợp. Nếu không có sự hướng dẫn cặn kẽ thì DN không thể làm được. Ví dụ như mẫu Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học, mẫu Báo cáo Giám định/Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, phiếu khảo sát thông tin… Đó là chưa kể đến các thủ tục quyết toán kinh phí còn rườm rà hơn.

Kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của thành phố quá ít cũng là trở ngại lớn không khuyến khích DN đăng ký. Công ty CP Dược Danapha nhiều năm liền đều đăng ký đề tài khoa học hoặc dự án thử nghiệm cấp thành phố nên có nhiều kinh nghiệm về mặt thủ tục, nhưng đề tài năm nào cũng bị Hội đồng Khoa học thành phố gạt ra. Năm nay khá hơn, đề tài “Nghiên cứu sản xuất thuốc Acid Valproic MR 500mg có tác dụng điều trị bệnh động kinh” đã được Hội đồng Khoa học thành phố đề nghị hỗ trợ ngân sách Nhà nước. Theo Thông tư liên tịch số 22 của Bộ Tài chính và Bộ KH-CN ban hành ngày 21-2-2011, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án. Như vậy, nếu đạt mức tối đa thì dự án sản xuất thuốc Acid Valproic được hỗ trợ 300 triệu đồng, nhưng UBND thành phố Đà Nẵng chỉ duyệt hỗ trợ 200 triệu đồng. Ông Chất, phụ trách bộ phận RD của công ty cho biết, kinh phí hỗ trợ đề tài này lại bị cắt thêm 25% nữa vì ngân sách thành phố eo hẹp. Ông cho rằng, đây là một đề tài khoa học thực sự, giúp sản xuất ra sản phẩm mới thay thế hàng ngoại nhập nhưng không được khuyến khích đúng mực, kinh phí hỗ trợ bị cắt đầu cắt đuôi, chưa thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ của thành phố đối với DN.

Sản xuất các mặt hàng cơ khí cũng là thế mạnh của DN vừa và nhỏ thành phố. Đây là ngành đòi hỏi phải liên lục có các sản phẩm mới dựa trên nghiên cứu, sáng tạo. Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường khẳng định: “Hoạt động sáng tạo kỹ thuật là yếu tố sống còn của công ty. Các sản phẩm cơ khí về thiết bị thủy điện, tụ điện của công ty có mặt khắp thị trường miền Trung, Tây Nguyên nhưng công ty không muốn đăng ký đề tài khoa học cấp thành phố, vì khi đăng ký sản phẩm sẽ bị lộ và đối thủ cạnh tranh sẽ ăn cắp công nghệ nhanh chóng, công ty không có đủ thời gian để đi kiện thưa cho dù là đã đăng ký bản quyền”. Rõ ràng là việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của cơ quan Nhà nước hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của DN cũng  gây thiệt hại cho DN và người có sáng kiến, đề tài khoa học.

Theo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố, cứ 2 năm một lần, thành phố Đà Nẵng đều tham gia các hội thi và giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2011, Đà Nẵng có 45 giải pháp tham gia cấp thành phố; 32 giải pháp tham gia hội thi toàn quốc, tăng 39% so với hội thi  trước. Về giải thưởng sáng tạo KH-CN Việt Nam năm 2011, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên có 2 công trình đạt giải nhất. 90% các giải pháp tham gia là của DN, tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, vật liệu, xây dựng; giao thông vận tải; điện, điện tử, viễn thông; CNTT; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên, môi trường, hóa chất, năng lượng; y dược. Điều này cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các DN của thành phố vẫn diễn ra âm thầm nhưng hết sức mạnh mẽ và quyết tâm cao. Kinh nghiệm vận động các DN làm khoa học và gắn bó với các hội thi của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố là cán bộ Nhà nước phải sâu sát, nhiệt tình và hỗ trợ DN về mặt thủ tục hành chính để khuyến khích DN phát triển ý tưởng, đề tài khoa học, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, đừng nên quan niệm “sản phẩm khoa học đó chỉ mang lại lợi ích cho DN thì DN phải tự lo”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.