.
Triển khai thủ tục hải quan điện tử:

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

.

(ĐNĐT) - Theo lộ trình, từ ngày 2-1, thủ tục hải quan điện tử chính thức thực hiện trong cả nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hưởng không ít lợi ích do tiết kiệm được thời gian thông quan, tiết kiệm nhân lực, chi phí quản lý, tài chính...

hực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công (Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng).
Thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công (Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng).

Đà Nẵng kế thừa nội dung đã thí điểm

Việc triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử sẽ theo lộ trình: từ 2-1-2013 thực hiện tại Cục Hải quan Hải Phòng; từ 8 đến 31-1-2013 tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Và từ ngày 8-1-2013, 13 Cục Hải quan tỉnh, thành phố chưa triển khai thí điểm sẽ chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai khi sẵn sàng.

Ông Phạm Duy Nhất, Trưởng Trung tâm dữ liệu và Công nghệ thông tin, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù tại Đà Nẵng chưa chính thức triển khai, song qua 3 năm tiến hành triển khai thí điểm thực hiện thủ tục hải quan điện tử, đến nay đã có hơn 800 doanh nghiệp (DN) tham gia. Số lượng tờ khai và kim ngạch thực hiện thông qua thủ tục hải quan điện tử đạt hơn 92%.

Các nội dung khi triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử sẽ kế thừa toàn bộ nội dung trong giai đoạn thí điểm như: đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Loại hình xuất nhập khẩu thực hiện gồm 3 loại chính là: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán, gia công, sản xuất hàng xuất khẩu và 6 loại hình khác.

Ông Nhất cho hay, hiện Cục hải quan Đà Nẵng vẫn đang trong thời điểm thực hiện thí điểm, song đơn vị đã tích cực phối hợp với các đơn vị, công ty cung cấp phần mềm cho các DN để nâng cấp, tối ưu phần mềm cho các DN, nhất là DN liên quan đến xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đã triển khai một cách cơ bản về hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), về con người cũng như đường truyền… phục vụ cho việc triển khai thủ tục hải quan điện tử, đảm bảo tới khi thực hiện chính thức sẽ đi vào hoạt động ổn định nhất”, ông Nhất nói.

Tự động hóa là ưu điểm lớn nhất

Tính tự động hóa là ưu điểm lớn nhất của thủ tục này, bởi mọi hoạt đều được chính máy móc thực hiện. Qua đó, góp phần giảm sự can thiệp của con người vào các hoạt động từ kiểm tra hàng hóa, dữ liệu đến tự động phân luồng...

Cụ thể, DN khi thực hiện khai báo hải quan thông qua phần mềm kê khai hải quan, toàn bộ dữ liệu sau đó được gửi lên cơ quan hải quan thông qua mạng Internet, tạo nên bộ hồ sơ hải quan điện tử. Do đó, các DN sẽ giảm được chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ do không phải trực tiếp đến cơ quan hải quan để khai báo hoặc phải chờ đợi quá lâu mà chỉ cần ngồi tại trụ sở DN rồi khai báo.

Bên cạnh đó, nội dung điện tử hóa gồm khai báo và tiếp nhận thông tin 24/7 (tức là 24 giờ trong ngày và 7 ngày/tuần).

“Chính điều này sẽ hạn chế tiêu cực, giảm chi phí, thời gian và các chi phí khác phát sinh, tiết kiệm nhân lực, cũng như tăng khả năng cạnh, tăng uy tín thương hiệu cho DN và nâng cao hiệu quả quản lý, kể cả đối với hải quan cũng như DN”, ông Nhất chia sẻ.

Ông Nhất nhấn mạnh, khi các DN hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ góp phần giúp hệ thống hoạt động thông suốt, và nhất là, sẽ bảo đảm lợi ích cho chính DN.

“Đơn cử với một DN gia công, xuất khẩu, việc thực hiện thanh khoản sẽ rất phức tạp bởi quá nhiều đơn từ, giấy tờ… Do đó, nếu thực hiện thủ tục thông qua hải quan điện tử, thì mọi dữ liệu giữa DN và đơn vị hải quan sẽ đồng bộ và lưu dữ liệu trên máy. Tới khi cần kiểm tra chỉ cần tra cứu, đối chiếu một cách rất nhanh chóng và tiện ích”, ông Nhất khẳng định.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.