.

Robot đua tốc độ “chiếm” Hành tinh Xanh

.

(ĐNĐT) - Cả 8 trận đấu loại trực tiếp của vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2013 diễn ra vào tối qua (11-5) đều là những cuộc đua tốc độ chóng mặt của các robot và kết thúc với 8 chiến thắng tuyệt đối “Hành tinh Xanh” cùng những diễn biến căng thẳng đến nghẹt thở.

Nếu như trận đấu loại trực tiếp đầu tiên là cuộc chiến nội bộ ĐH Sao Đỏ không mấy hấp dẫn do đội Sao Đỏ-TNT1 đã nhường chiến thắng tuyệt đối cho đội mạnh hơn là Sao Đỏ-ĐT02 sau 1 phút 26 giây của trận đấu, thì ở trận đấu tiếp sau đó là cuộc đua tốc độ một mất một còn của DTU-Bigbang (ĐH Duy Tân) và LH-ET* (ĐH Lạc Hồng).

Trong cuộc đua tốc độ này, cả 2 robot điều khiển bằng tay rất nhanh chóng cùng đặt xong 3 cấu kiện lá ở “bán cầu Nam”, sự khác biệt bắt đầu kể từ khi robot tự động của DTU-Bigbang bỏ xong 2 cấu kiện lá ở “bán cầu Bắc” thì bị lệch hành trình, phải khởi động lại (retry). LH-ET* liền tận dụng cơ hội ngắm bắn chính xác khối mầm xanh lên trên “Mặt Trăng”, giành chiến thắng “Hành tinh Xanh” với thời gian chỉ 50 giây.

Niềm vui giành chiến thắng “Hành tinh Xanh”
Niềm vui giành chiến thắng “Hành tinh Xanh”

Ở trận đấu thứ 3, ngay sau hiệu lệnh của trọng tài, cả 2 robot điều khiển bằng tay cùng lao đến kho chứa cấu kiện lá. Chỉ một chút không kiểm soát được tốc độ, robot điều khiển bằng tay của BKIT Number One (ĐH Bách khoa TP.HCM) xô lệch vị trí các cấu kiện lá, sau một hồi loay hoay sắp xếp lại để gắp lấy không thành công, đành phải đưa robot này về khu vực xuất phát để retry. Ở phần sân bên kia, “sát thủ” LH-SEE (ĐH Lạc Hồng) lạnh lùng giành chiến thắng tuyệt đối ở giây thứ 54 của trận đấu.

Tình huống tương tự cũng xảy ra ở trận đấu thứ 6, dù đã rút kinh nghiệm bằng cách xin retry ngay robot điều khiển bằng tay, nhưng sau khi robot này bỏ xong 3 cấu kiện lá ở “bán cầu Nam”, các thành viên đội BK-VS (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) hai tay ôm đầu tức tưởi vì “sát thủ” LH-NVN-Eagle (ĐH Lạc Hồng) đã giành chiến thắng “Hành tinh Xanh” ở giây thứ 49 của trận đấu.

Trong khi đó, ở trận đấu thứ 5, có lẽ do phải đua tốc độ quá nhanh và thao tác gắp lấy 6 cấu kiện lá quá gấp làm 2 cánh tay robot điều khiển bằng tay của đội BKIT O0 (ĐH Bách khoa TP.HCM) gặp sự cố, không thể bỏ cấu kiện lá vào 3 ô trống ở “bán cầu Nam”, đành nhìn đội VTEC-RTC (CĐ KT-KT Vĩnh Phúc) giành chiến thắng “Hành tinh Xanh” với thời gian 2 phút 30 giây sau 2 lần bắn mầm xanh lên “Mặt Trăng”.

Ở trận đấu trước đó, dù gặp đối thủ yếu hơn là VTEC-QHCKT (CĐ KT-KT Vĩnh Phúc) nhưng đội DTU-Titan (ĐH Duy Tân) vẫn đua tốc độ. Robot tự động của DTU-Titan lao ra ôm 3 cấu kiện lá quá nhanh làm chệch hành trình, phải retry. Robot này tiếp tục đua tốc độ, nhanh chóng bỏ thành công 3 cấu kiện lá vào 3 ô trống ở “bán cầu Bắc” rồi lao ra lấy các mầm xanh. Do vội vàng nên robot này chỉ mang về cho robot điều khiển bằng tay 1 mầm xanh, nhưng như vậy là quá đủ, DTU-Titan đã giành chiến thắng “Hành tinh Xanh”  sau 1 phút 52 giây.

Hai trận đấu cuối cùng của vòng đấu loại trực tiếp diễn ra kịch tính đến nghẹt thở. Hai đội DTU-Pollux (ĐH Duy Tân) và N03 (ĐH Công nghiệp Hà Nội) bám sát nhau từng giây, do việc nhận mầm xanh từ robot tự động của DTU-Pollux nhanh hơn nên mầm xanh được bắn lên “Mặt Trăng” trước và chưa đầy 3 giây sau, mầm xanh của NO3 cũng được bắn lên, đều đứng vững trên “Mặt Trăng”. Ban giám khảo quyết định chiến thắng “Hành tinh Xanh” thuộc về DTU-Pollux với thời gian 60 giây.

Cuộc đua tốc độ giữa LH-TNT (ĐH Lạc Hồng) và BK-PTC (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) xứng đáng với trận đấu được gọi tên “siêu kinh điển”. Ở hai bên “kinh tuyến gốc” của “Địa cầu”, mọi hoạt động của 2 đội gần như diễn ra song song. Chỉ đến khi 2 robot tự động cùng lao ra lấy các mầm xanh, do quá gấp gáp, robot tự động của LH-TNT chỉ lấy được 1 mầm xanh và đánh rơi giữa sân thi đấu, LH-TNT xin retry. Trong khi đó, robot điều khiển bằng tay của BK-PTC nhận đủ 3 mầm xanh từ robot tự động và sau 2 phát bắn, mầm xanh mới đứng vững trên “Mặt Trăng”, giành chiến thắng nghẹt thở với thời gian 1 phút 6 giây.

Đêm thi đấu cuối cùng của vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo Robocon Việt Nam 2013 (12-5) sẽ bắt đầu bằng các trận đấu tứ kết với 4 cặp đấu: Sao Đỏ-ĐT02 và LH-ET*, LH-SEE và DTU-Titan, VTEC-RTC và LH-NVN-Eagle, DTU-Pollux và BK-PTC. Đây tiếp tục là những trận đua tốc độ cao, kịch tính đến nghẹt thở và tin rằng trong 4 đội thắng cuộc giành quyền vào thi đấu bán kết sẽ có cặp đấu “siêu kinh điển”.

Hai đội thắng trong hai trận đấu bán kết không chỉ giành quyền tranh ngôi vô địch vòng chung kết Robocon Việt Nam năm 2013, mà còn đại diện cho Việt Nam tham gia vòng chung kết Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2013 cũng diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8 đến.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.