.

Ứng dụng điện toán đám mây vào giáo dục

.

Tại một hội thảo về giải pháp công nghệ thông minh và hiệu quả cho ngành giáo dục vừa được Công ty IBM Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, điện toán đám mây được xem là mô hình công nghệ có thể nâng cao đáng kể chất lượng giáo dục cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Mô hình điện toán đám mây đang là lựa chọn cho các trường đại học, cao đẳng.
Mô hình điện toán đám mây đang là lựa chọn cho các trường đại học, cao đẳng.

Danh mục giải pháp điện toán đám mây dành cho ngành giáo dục mà IBM đưa ra bao gồm các giải pháp đám mây riêng, đám mây công cộng, đám mây lai đến các giải pháp tự động cấp phát và quản lý tài nguyên (IBM SmartCloud Provisioning), giải pháp hệ thống tích hợp (IBM PureSystems), hỗ trợ tăng tốc triển khai điện toán đám mây…

Thông qua điện toán đám mây và ảo hóa, các trường học có thể dễ dàng chia sẻ các dịch vụ quản lý sinh viên giữa các khoa, bộ môn một cách hiệu quả hơn. IBM sẽ hỗ trợ các tổ chức giáo dục chuyển đổi các nguồn lực từ các chi tiêu truyền thống về tài liệu học tập, máy tính cá nhân và phần mềm sang một mô hình mới có thể mang tới những nội dung học tập được tích hợp từ nhiều nguồn khác nhau tới các sinh viên và giảng viên qua các dịch vụ dựa trên đám mây này. Từ đó IBM sẽ giúp đổi mới môi trường giáo dục theo hướng trang bị các kỹ năng và kiến thức cho sinh viên để thành công trong một thế giới toàn cầu mang tính cạnh tranh cao.

“Chẳng hạn như, một sinh viên khoa Toán có thể ngồi tại ký túc xá kết nối Internet và truy cập điện toán đám mây để tìm một máy chủ vật lý hay máy chủ ảo với dung lượng lưu trữ cần thiết, cùng với một phần mềm toán học MATLAB để chạy một bài tập về nhà. Một giảng viên cũng có thể truy cập chính đám mây đó để đề nghị một máy chủ ảo cho mỗi sinh viên thực hiện một dự án dựa trên phần mềm TinkerPlots. Sau khi sử dụng, các tài nguyên này lại được trả về đám mây để phân bổ cho người dùng tiếp theo. Các nguồn lực này chỉ được sử dụng khi cần, vì vậy tối ưu hóa việc sử dụng các phần cứng và giấy phép phần mềm, đồng thời tối thiểu hóa chi phí năng lượng và mua sắm hằng năm…”, ông Lê Trần Nguyên, kỹ sư trưởng, Phòng Nghiên cứu điện toán đám mây ASEAN, Trưởng nhóm đám mây, IBM Việt Nam, phân tích.

Các trường muốn “lên mây”

Trong vài năm trở lại đây, điện toán đám mây có vẻ không còn xa lạ với các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các trường đại học và cao đẳng, thông thường đội ngũ nhân sự CNTT không nhiều, chưa kể đến là chuyên môn có hạn. Do đó, giải pháp tối ưu nhất bây giờ là chuyển sang nền tảng điện toán đám mây bằng một hệ thống cơ sở hạ tầng được tích hợp sẵn tất cả các cấu phần cần thiết. Các trường khi tham gia vào các giải pháp có thể tham gia vào chương trình Học viện Điện toán đám mây của IBM cùng với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu khác trên thế giới, để đưa ra những định hướng và cách thức triển khai điện toán đám mây trong quá trình đào tạo.

Tại Đà Nẵng, IBM cũng đã hợp tác với nhiều trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Duy Tân, Cao đẳng Công nghệ, CĐ Việt-Hàn… tổ chức nhiều chuyên đề về công nghệ, các hoạt động ngày công nghệ, ngày giáo viên, lớp cho giáo viên, thi chứng chỉ, cập nhật các công nghệ mới và chia sẻ kinh nghiệm với các trường. Qua đó, giúp các trường tiếp cận hiệu quả hơn với các giải pháp và ứng dụng tiên tiến tích hợp các công nghệ chuyên biệt dành cho giáo dục như hệ thống điện toán thông minh hơn, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu,…tạo ra một cách thức thông minh hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về công tác giảng dạy và quản lý hành chính cũng như các dịch vụ về CNTT đến với cộng đồng giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, các trường cũng cho biết, trong tương lai gần nhất sẽ có những hợp tác nhất định với IBM để tìm hiểu những giải pháp hữu hiệu đối với trường nhằm giúp thay đổi một cách cơ bản các trải nghiệm về hiệu quả cũng như tính kinh tế của hệ thống CNTT.

Bài và ảnh: ĐAN TÂM

;
.
.
.
.
.