Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM) đang là xu thế ứng dụng phần mềm tất yếu, đặc biệt là trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Phần mềm nguồn mở được sử dụng ngày một nhiều hơn trong công tác quản lý Nhà nước ở nhiều địa phương. |
Xu thế được lựa chọn
Được coi là xu thế lựa chọn, bởi PMNM phù hợp với các nhu cầu chủ yếu như tiết giảm chi phí cho quản lý cũng như sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động trong việc sở hữu bản quyền phần mềm, quan trọng hơn là việc tăng cường bảo đảm các vấn đề về an toàn an ninh thông tin trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, việc đẩy mạnh PMNM sẽ góp phần nâng cao tính chủ động và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực CNTT và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT.
Trong năm 2012, Bộ TT&TT đã phối hợp với một số địa phương triển khai thành công dự án “Hỗ trợ địa phương xây dựng, hoàn thiện một số sản phẩm phần mềm nguồn mở”. Theo đó, 7 sản phẩm PMNM thông dụng, có khả năng triển khai nhân rộng trong các cơ quan Nhà nước đã được phát triển, xây dựng và cài đặt vận hành tại một số địa phương như: Phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở; Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở; Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận, huyện; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở, ngành; Phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện…
Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố cũng đang từng bước thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý tập trung. Trong đó tập trung ứng dụng Khung kiến trúc tổng thể về kiến trúc mở, chuẩn mở, mã nguồn mở… Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết: Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, Đà Nẵng lấy CNTT làm nền tảng để xây dựng hạ tầng thông minh, làm công cụ quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu kinh tế-xã hội, hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, thành phố đáng sống. Theo đó, CNTT trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố, mô hình chính quyền điện tử của thành phố sẽ được xây dựng đạt mức tiên tiến vào năm 2015.
Đà Nẵng đã sẵn sàng
Hiện, Đà Nẵng đã xây dựng thành công mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm giao dịch CNTT… đó là những hạ tầng cơ bản đầu tiên cho việc ứng dụng CNTT của thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng đã trang bị khá đầy đủ các thiết bị tin học, các trạm Internet công cộng đến tận xã, phường; triển khai các phần mềm ứng dụng tại các sở, ban, ngành và hiện có 45 hệ thống thông tin được quản lý tập trung… cho việc ứng dụng và phát triển PMNM. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, khẳng định: Xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, lấy nền tảng PMNM làm cốt lõi để phát triển tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có tính đột phá, có giá trị gia tăng cao đang là hướng đi của thành phố.
CNTT đang được xem là ngành công nghiệp nền tảng cho mọi hoạt động của xã hội. Và PMNM đã góp phần làm chủ công nghệ, bảo đảm an ninh thông tin quốc gia. Thúc đẩy PMNM cũng chính là thúc đẩy sự phát triển CNTT trong cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng để việc triển khai đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” sớm thành hiện thực.
Bài và ảnh: THANH TÌNH