.

Cúp vàng CDIO 2013 Sản phẩm dành cho người nghèo

.

Vượt qua 31 đội dự thi đến từ các trường đại học danh tiếng của các nước trên thế giới, 2 sinh viên Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và Võ Trương Hoàng Linh đã làm rạng danh Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng khi đoạt giải Nhất CDIO cho danh mục các dự án cơ sở và giành luôn Cúp Vàng luân lưu CDIO 2013 cho cả hai danh mục dự án cơ sở và nâng cao đối với Dự án “Sản phẩm lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân vùng nông thôn”.

Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đang giới thiệu sản phẩm đến cho ban giám khảo.  (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đang giới thiệu sản phẩm đến cho ban giám khảo. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Đồng cảm với người nghèo

Ý tưởng dự án “Sản phẩm lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân vùng nông thôn” xuất phát từ thực tế trên quê hương Quảng Nam, nơi hai sinh viên Quỳnh Nhi và Hoàng Linh sinh ra và lớn lên. Chứng kiến tận mắt những người dân nghèo ở vùng núi phải sống trong cảnh thiếu thốn nguồn nước sạch để sinh hoạt hằng ngày trong khi chi phí để mua các thiết bị lọc nước hiện đại quá cao. Hai bạn đã nảy ra ý nghĩ là phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa và thiết thực với dân nghèo.

Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng để hoàn thiện được sản phẩm và mang đi dự thi là cả một quá trình nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trong gần một năm của nhóm gồm thầy cô và Quỳnh Nhi, Hoàng Linh. Trong quá trình làm, Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đã gặp không ít khó khăn bởi cả hai chưa bao giờ làm sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, biết phát huy lợi thế của địa phương, bằng những nguyên liệu sẵn có và giá rẻ là đất sét, đá ong, vỏ trấu cùng sự hướng dẫn tận tình của những nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà (Hội An), hai bạn đã kỳ công làm nên sản phẩm. “Sau khi có nguyên liệu, chúng em bắt tay vào trộn, nhào theo tỷ lệ định sẵn, sau đó nặn để tạo khuôn chính cho sản phẩm. Cuối cùng là đem phơi khô, nung và phủ dung dịch bạc nitrat cho sản phẩm. Tuy nhiên, để hoàn thiện sản phẩm, công đoạn giã rất quan trọng. Vì nếu giã nhỏ nước sẽ lọc chậm, không đủ sử dụng trong sinh hoạt nhưng nếu giã lớn, nước sẽ lọc nhanh và không bảo đảm vệ sinh. Chính vì vậy, phải rất nhiều lần thử đi thử lại, chúng em mới chọn ra được sản phẩm tốt nhất.  Không những thế, do yêu cầu của cuộc thi là bắt buộc sản phẩm dự thi phải do các thí sinh tự tay làm nên thay bằng sử dụng bàn xoay truyền thống, khung sản phẩm cho bộ lọc nước do chính tay nhóm em làm nên”, Quỳnh Nhi và Hoàng Linh chia sẻ.

Trong quá trình tìm tòi, học hỏi để làm sản phẩm, do học lệch giờ nhau nên Quỳnh Nhi và Hoàng Linh đã rất khó khăn để tìm ra những giờ làm việc chung hiệu quả. Giờ giấc đã hiếm hoi, các bạn còn phải tìm một chỗ thích hợp để trao đổi công việc. “Nhiều khi thảo luận say sưa quá, lắm lúc quán cà-phê bắt đầu đóng cửa, chúng em mới lục tục ra về”, Quỳnh Nhi cho biết.

Xướng danh trên đấu trường quốc tế

Quá bất ngờ vì lần đầu tiên tham gia và đoạt giải cao nhất tại cuộc thi lớn mang tầm quốc tế, cả Quỳnh Nhi và Hoàng Linh cũng như thầy cô đều vui mừng khôn xiết. Quỳnh Nhi bộc bạch: “Khi tên mình, tên dự án, tên trường vừa được xướng danh, tất cả mọi người xung quanh chúng em đều đứng dậy vỗ tay chúc mừng không dứt. Lúc đó, thầy của em đã nhảy lên, còn chúng em cũng dường như nghẹt thở vì sung sướng”.

Trong cuộc thi, mỗi đội sẽ được bố trí gian hàng riêng gồm bàn trưng bày sản phẩm và bảng treo poster. Hội đồng giám khảo gồm 5 người sẽ lần lượt đi theo vòng tròn đến từng đội. Mỗi đội có nhiệm vụ giới thiệu và thuyết phục từng vị giám khảo trong vòng 2 phút, 3 phút còn lại dành để trả lời câu hỏi chất vấn. Quỳnh Nhi và Hoàng Linh cho biết hai bạn không ghi bằng chữ mà phải minh họa bằng hình ảnh hoặc sơ đồ một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất sao cho trong vòng 5 phút có thể thuyết phục được ban giám khảo. “Những vị giám khảo khi đi qua gian hàng của chúng em đều trầm trồ khen ngợi và rất ngạc nhiên vì sản phẩm của chúng em độc đáo, lạ mắt mà ở những nước khác không có. Và cũng có lẽ sản phẩm của chúng em được đánh giá cao vì chúng em đã quan tâm đến những đối tượng đặc biệt, đó là những người dân nghèo và có giá trị ứng dụng thực tiễn cao”, Hoàng Linh khiêm tốn nói.

Giành giải Nhất cấp cơ bản và Cúp Vàng thắng tuyệt đối 31 đội dự thi trong cuộc thi CDIO  năm 2013 tại Học viện MIT và Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đó là thành công mà hai cô sinh viên “bé hạt tiêu” Hoàng Linh và Quỳnh Nhi xứng đáng đạt được. Chất lượng tốt và giá thành hợp lý để mọi người, nhất là người nghèo có thể chấp nhận được là mục tiêu sản phẩm Quỳnh Nhi và Hoàng Linh hướng tới. Tuy nhiên hai bạn vẫn trăn trở là làm sao có thể đưa những sản phẩm này vào thực tế để giúp đỡ thiết thực cho người dân nghèo? Hy vọng, sẽ có một tổ chức phi chính phủ hay một nhà tài trợ nào đó trong tương lai gần sẽ quan tâm và hỗ trợ, chia sẻ cho những trăn trở chính đáng của Quỳnh Nhi và Hoàng Linh.

THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.