Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tên lửa Minotaur V mang theo con tàu thăm dò Mặt trăng trong dự án Tàu thám hiểm môi trường, bụi và khí quyển Mặt trăng (LADEE). Tàu rời khỏi bệ phóng tên lửa tại đảo Wallops ở bờ đông Mỹ vào 10h17 ngày 7-9 (giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, sau một khởi động gần như hoàn hảo, tàu thăm dò mặt trăng mới nhất của NASA đã gặp trục trặc đầu tiên của mình trên đường đến "láng giềng" gần nhất của Trái đất.
Tin mới nhất cho biết, LADEE đã gặp một số rắc rối ngay sau khi tách ra từ tên lửa Minotaur V. Máy tính trên tàu thăm dò tắt bánh xe phản ứng LADEE vốn được sử dụng để ổn định trạng thái của tàu thăm dò trong không gian.
Tên lửa đẩy rời bệ phóng trên đảo Wallops |
Nhưng không có lý do để hoảng sợ, các quan chức NASA khẳng định. "Đây không phải là một sự kiện bất thường trong tàu vũ trụ", Pete Worden, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Moffett Field, California, nói trong một cuộc họp báo sáng nay, 7-9.
"Tôi đã tham gia rất nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là với tàu vũ trụ nhỏ", Worden nói, "Vẫn thường xuyên có những thứ mà bạn không mong muốn. Điều thực sự quan trọng là chúng tôi có thông tin đầy đủ. Mọi thứ đều ổn định trên tàu tàu vũ trụ. Tất cả mọi thứ đang hoạt động".
Dự kiến, các kỹ sư sẽ làm việc để xây dựng một kế hoạch sửa chữa trong vài ngày tới.
Sứ mệnh Mặt trăng mới nhất của NASA trị giá 280 triệu USD là nhằm nghiên cứu khí quyển mỏng manh bao quanh vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Các chuyên gia cũng hy vọng nhờ LADEE giải mã hành vi kỳ lạ của bụi Mặt trăng, đôi khi lại bị bốc lên cao khỏi bề mặt hành tinh này. Bên cạnh đó, tàu du hành không người lái sẽ thử nghiệm hệ thống viễn thông laser mới mà NASA hy vọng một ngày nào đó sẽ triển khai cho các sứ mệnh hành tinh trong tương lai.
LADEE sẽ được chuyển vào đường xoắn ốc dài đến Mặt trăng và chu trình này mất khoảng 1 tháng. Sau đó sẽ mất thêm 1 tháng nữa để điều chỉnh xuống độ cao cách bề mặt 20 km, bắt đầu giai đoạn quan sát kéo dài 100 ngày.
LADEE sẽ chấm dứt sứ mệnh bằng cách lao xuống bề mặt Mặt trăng.
Theo HNM