Gần 100 tiêu bản sinh vật biển xử lý để phục vụ nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch đã được Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm lần đầu tiên trưng bày tại khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xử lý mẫu vật |
Ngày 11-11, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cho biết, 60 mẫu vật đã được thu thập, xử lý và hiện trưng bày tại Trung tâm truyền thông bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đây là những mẫu vật thu thập được trong tháng 9.2013, luôn được xây dựng và cập nhật thông tin.
Xây dựng bộ sưu tập mẫu sinh vật biển sinh động, đặc sắc, đa dạng và có giá trị về mặt khoa học để trưng bày triển lãm phục vụ tham quan, du lịch và nghiên cứu được xem là nhiệm vụ quan trọng của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là vùng đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam, nhiều loại được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Mẫu vật tôm hùm bông và cá hồng đang trưng bày. |
Tại khu vực có diện tích gần 371 km2 này, cơ quan chuyên môn phát hiện hơn 300 loài san hô (thuộc 40 giống và 17 họ), thảm cỏ biển có 5 loài ở các vùng nước sâu, 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô (thuộc 61 giống và 39 họ). Chưa kể nhiều loài tôm hùm và khoảng 270 loài cá rạn (thuộc 105 giống, 40 họ).
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có tới ba phân vùng chức năng, gồm vùng lõi khu bảo tồn biển, vùng đệm cửa sông Thu Bồn, vùng chuyển tiếp đô thị cổ Hội An. Sức hấp dẫn về đa dạng sinh học cũng là yếu tố thu hút du khách với hơn 150.000 lượt đến tham quan, lưu trú tại Cù Lao Chàm chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm.
Trước đó, từ tháng 8-2013, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp Trường Đại học Đà Nẵng tập huấn kỹ thuật xử lý, bảo quản mẫu vật sinh vật biển cho cán bộ kỹ thuật và người dân làm công tác bảo tồn trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
TNO