Cả thế giới đang háo hức đón chờ hiện tượng sao chổi của thế kỷ ISON sẽ xuất hiện vào tháng 11 này.
“Sao chổi ISON có lẽ là một trong những sao chổi sáng nhất trong vòng 50 năm qua”, đó là ý kiến của nhà thiên văn học Dennis Bodewits (Đại học Maryland) chia sẻ với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Nghe thật hấp dẫn. Nhưng đích xác thì sao chổi là gì? Có bao nhiêu sao chổi ngoài thiên hà và chúng có tiềm ẩn nguy cơ nào với trái đất của chúng ta không?
Quan sát qua kính thiên văn Hubble về phần đầu và đuôi của sao chổi Ison. |
Sau đây là 11 sự thật thú vị về sao chổi. Không ít trong số ấy sẽ làm bạn bất ngờ.
Có rất nhiều sao chổi
Đến nay các nhà khoa học đã khám phá khoảng 4.000 sao chổi và cả những bằng chứng cho thấy có thể còn có hơn hàng trăm triệu sao khác, có lẽ tới khoảng 1.000 tỷ sao.
Các sao chổi có thể khác nhau về hình dạng và kích cỡ nhưng tất cả đều có quỹ đạo quay quanh mặt trời. Những sao chổi “chu kỳ ngắn” thuộc vành đai Kuiper, khu vực có dạng hình đĩa gồm các khối băng nằm bên ngoài quỹ đạo Neptune, chúng mất gần 200 năm để đi hết một vòng quỹ đạo. Những sao chổi “chu kỳ dài” như ISON thuộc đám mây Oort (một nhóm vật thể) nằm ở khu vực cách xa gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần khoảng cách của vành đai Kuiper, gần với mép rìa của hệ mặt trời. Những sao chổi này phải mất hàng triệu năm mới đi hết một vòng quỹ đạo.
Sao chổi có thể va đập vào hành tinh của chúng ta
Nghiên cứu mới đây cho biết, một sao chổi đã đâm mạnh xuống sa mạc Sahara khoảng 28 triệu năm trước. Và mới hồi đầu tháng này, các nhà khoa học đã thông báo về một hòn đá nhỏ được tìm thấy ở Sahara. Hòn đá được gán cho tên gọi Hypatia - có nguồn gốc từ phần lõi băng của sao chổi (hạt nhân).
Sao chổi có thể mang sự sống tới trái đất
Năm 2009, tàu thăm dò vũ trụ không người lái của NASA lấy được mẫu từ sao chổi Wild-2 và phát hiện nó chứa chất glycine, một loại amino acid đơn giản. Đây là thành phần thiết yếu để tạo nên sự sống. Một nghiên cứu gần đây cũng cho biết, các vụ va chạm sao chổi có thể đã tạo ra khoảng 22.000 tỷ pound (khoảng 9.979,2 tỷ kg) chất hữu cơ trên trái đất và cung cấp năng lượng cho sự tổng hợp các phân tử phức tạp hơn.
Năm 2011, các nhà khoa học phát hiện ra nước trên các sao chổi cũng có thành phần hóa học tương tự với nước trong các đại dương của trái đất. Từ đó có giả thuyết cho rằng, rất có thể các sao chổi đã mang nước tới trái đất từ hàng tỷ năm trước.
Lõi sao chổi giống quả cầu tuyết bẩn
Nhân của sao chổi được cấu thành bởi băng, bụi và đá. Đó chính là những mẩu vụn còn lại từ thời điểm hệ mặt trời hình thành khoảng 4,6 tỷ năm trước. Các hạt nhân sao chổi nằm trong số những vật tối nhất trong hệ mặt trời, chúng chỉ phản chiếu được 4% ánh sáng rọi tới. Hầu hết các nhân sao chổi chỉ có đường kính khoảng 10 dặm (16,09km) và hình dạng không theo quy tắc nào. Bởi lẽ, không giống các hành tinh và các ngôi sao, khối lượng của chúng nhỏ nên không đủ lực hấp dẫn để làm chúng quay tròn.
Các sao chổi có bầu khí quyển riêng
Đám mây mờ xung quanh phần lõi của sao chổi được gọi là đầu sao chổi. Khi các sao chổi tiến tới gần mặt trời, băng trong hạt nhân được chuyển hóa thành dạng khí. Khí này sẽ tỏa ra bên ngoài nhân, hình thành một bầu khí quyển mỏng đường kính có thể lên tới 60.000 dặm (96.540km) hoặc hơn. Năm 2007, người ta phát hiện đầu sao chổi Holmes có đường kính lớn tới mức kinh ngạc là 869.900 dặm (1.399.669,1km). Kích thước đó còn lớn hơn cả đường kính của mặt trời!
Các sao chổi có 2 đuôi chứ không phải 1
Khi các sao chổi tiến gần tới mặt trời, gió mặt trời và từ trường của mặt trời sẽ cuốn những hạt bụi từ đầu sao chổi vào các đuôi của nó kéo dài phía sau. Các hạt bụi sẽ hình thành một chiếc đuôi uốn cong, có thể trải dài tới 60 triệu dặm (96,54 triệu km). Người ta tin rằng, phần đuôi bụi của sao chổi ISON sẽ trải dài khoảng 57.000 dặm (91.713km). Các khí ion hóa sẽ hình thành thêm một phần đuôi màu xanh riêng biệt, hướng thẳng so với mặt trời và trải dài khoảng 360 triệu dặm (579,24 triệu km).
Sao chổi được quan sát trong nhiều thiên niên kỷ
Khoảng từ năm 500 trước Công nguyên, các triết gia Hy Lạp đặt ra từ “komotes”, có nghĩa là “tóc dài” để chỉ những sao chổi họ quan sát được trên bầu trời.
Sao chổi nổi tiếng nhất từng được quan sát hẳn nhiên là Halley. Quỹ đạo chuyển động của sao chổi này đưa nó tới gần trái đất với chu kỳ 76 năm một lần. Một số học giả cho biết, sao chổi này được ghi nhận lần đầu bởi một nhà thiên văn học Trung Quốc từ năm 239 trước Công nguyên. Tuy nhiên, số khác lại khẳng định, nó được phát hiện trước tiên ở Hy Lạp vào khoảng năm 467 trước Công nguyên. Dù giả thuyết nào đúng thì cũng chỉ có chính Edmund Halley là người đầu tiên đã đi đến kết luận vào năm 1705 rằng, ba vị trí sao chổi từ năm 1531, 1607 và 1682 là những quan sát có nhiều khả năng của cùng một sao chổi. Sao chổi Halley sẽ tái xuất vào tháng 7-2061.
Sao chổi làm nảy sinh một số tư tưởng dị đoan
Trong nhiều năm đã qua, sao chổi được xem như điềm báo của cái chết sắp tới, hoặc dấu hiệu của sự may mắn. Hoàng đế La Mã Nero từng nghĩ rằng, một ngôi sao chổi là điềm báo trước bị ám sát. Do đó, ông đã hạ sát tất cả những người kế vị mình. Giáo hoàng Callixtus III ra sức loại bỏ sao chổi Halley vì tin rằng nó đại diện cho ma quỷ. Trong khi đó, Tướng William lại nghĩ sao chổi là điềm may mắn cho cuộc xâm lược nước Anh của ông năm 1066.
Năm 1909, một số người cho rằng, sao chổi Halley có thể gây ra một vụ nổ lớn, hoặc sẽ làm thế giới bị bao trùm trong một loại khí tê. Số khác thì chỉ thích thú ngắm nhìn sao chổi, đó là những tay nhà giàu túy lúy với món cocktail sao chổi tại các bữa tiệc trên sân thượng.
Phần còn lại của sao chổi tạo thành mưa sao băng
Dọc theo quỹ đạo quay quanh mặt trời, các sao chổi làm tung ra những khối đá nhỏ tạo thành vệt bụi, hay dòng suối thiên thạch. Khi trái đất đi qua dòng suối này, chúng ta sẽ thấy hiện tượng mưa sao băng. Chẳng hạn, hằng năm, những người quan sát bầu trời có thể chứng kiến trận mưa sao băng Perseid khi trái đất chuyển động xuyên qua quỹ đạo của sao chổi Swift-Tuttle. Bụi của sao chổi cũng đổ xuống trái đất với tỷ lệ xấp xỉ khoảng 1 tỷ hạt bụi/giây.
Sao chổi có thể biến mất hoặc nổ tung
Chúng có thể biến mất, mất đi các chất liệu không ổn định và trở thành những khối đá nhỏ. Hoặc trọng lực của mặt trời có thể phá vỡ sao chổi thành muôn mảnh nhỏ khi chúng di chuyển hơi quá gần so với mặt trời.
DƯƠNG KIM THOA
(Theo Huffingtonpost)