.

GS Nguyễn Hùng: Mong "xe lăn thông minh" sớm đến Việt Nam

.

GS Nguyễn Hùng được thế giới biết đến là nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt. Sáng kiến Aviator - công nghệ “xe lăn thông minh” của ông có thể điều khiển bằng sự chuyển động của đầu và sóng não con người được xem là một trong những phát minh hàng đầu ở Úc.

GS Nguyễn Hùng (phải) bên chiếc xe lăn thông minh.
GS Nguyễn Hùng (phải) bên chiếc xe lăn thông minh.

Rời Việt Nam năm 1971, kết hôn và lập nghiệp ở Úc nhưng GS Nguyễn Hùng vẫn giữ giọng nói tiếng Việt rất chuẩn. GS Nguyễn Hùng vừa có mặt ở Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ theo học kỹ sư. Từ những lần gặp gỡ ấy, ông có nhận xét chung rằng, giới trẻ Việt Nam vượt trội về kiến thức Toán, Lý, Hóa nhưng yếu về thực hành và ngoại ngữ.

Giới trẻ Việt Nam còn nhiều điều e ngại

Theo GS Hùng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng về tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khả năng Anh ngữ và kinh nghiệm quản lý. Hai trong số nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại Việt Nam hiện nay là kỹ sư và nghiên cứu. Bên cạnh đó, Việt Nam có mục tiêu đào tạo, phát triển gần 20.000 kỹ sư và kỹ thuật viên đến năm 2020 nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử. Điều đó chứng tỏ cơ hội việc làm trong ngành kỹ sư tại Việt Nam dành cho sinh viên là rất lạc quan.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của ông là ở Việt Nam, ngành kỹ thuật còn yếu kém nên yêu cầu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành kỹ sư rất cần thiết. Theo ông, cần nhìn xa và phải dự báo được nhu cầu. Lần này về nước, trong những cuộc tiếp xúc với giới trẻ, ông khuyến khích học sinh Việt Nam nên theo học ngành kỹ sư.

GS Hùng là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông cho biết, hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam theo học ở xứ sở chuột túi. Hằng ngày, tiếp xúc với nhiều du học sinh người Việt, GS nhận ra các bạn trẻ Việt Nam có nhiều điểm mạnh như cần cù, chịu khó và nổi bật nhất là rất giỏi các môn khoa học cơ bản Toán, Lý, Hóa. Với các bài kiểm tra kiến thức liên quan đến các môn khoa học này, sinh viên Việt đều hoàn thành xuất sắc. Tuy vậy, hạn chế của sinh viên Việt Nam là kiến thức khoa học vững nhưng nếu thiếu thực hành, người học khó trở thành những kỹ sư có tay nghề vững vàng để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra, sự hạn chế về tiếng Anh khiến sinh viên Việt Nam mất nhiều thời gian để hòa nhập cuộc sống khi đi du học lẫn cơ hội học hỏi. Việc giao lưu, tìm hiểu văn hóa của các nước hay mở rộng các mối quan hệ cũng vì thế trở nên khó khăn hơn. Ở nước ngoài, việc du học sinh “gõ cửa” phòng các GS để giao lưu, học tập, trao đổi là chuyện rất bình thường. Với sinh viên Việt Nam, GS Hùng nhận thấy các bạn còn nhiều e ngại và chưa thật sự chủ động. “Giáo dục Việt Nam rất mạnh về các môn khoa học nhưng nên chú trọng thêm nhiều lĩnh vực gắn liền đời sống xã hội cũng như chú ý đến việc khích lệ, giao tiếp cho người học”, GS Nguyễn Hùng tâm sự.

“Người thầy của những phát minh”

GS Nguyễn Hùng kể, ông sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, mẹ là người Huế, cha là người Quảng Ngãi. Năm 1971, nhận được học bổng Colombo Plan, chàng thanh niên Nguyễn Tấn Hùng khăn gói lên đường sang Úc. Rồi ông phải lòng một cô gái bản xứ, vậy là cưới vợ. Đến nay, ông có 4 người con, định cư ở Castle Hill (bang New South Wales) từ năm 1979.

GS Nguyễn Hùng được thế giới biết đến là nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt. Ông cũng được biết đến với rất nhiều phát minh hữu ích trong đời sống, như thiết bị HypoMon đo tiểu đường mà không cần lấy máu, thiết bị tim nhân tạo kéo dài thời gian sống thêm 7 năm cho người bệnh, thiết bị phát hiện bệnh ung thư vú sớm, máy báo hạ đường huyết, máy kiểm tra sức khỏe dành cho tài xế…

Sáng kiến Aviator - công nghệ “xe lăn thông minh” có thể điều khiển bằng sự chuyển động của đầu và sóng não con người được xem là một trong những phát minh hàng đầu ở Úc. Ông đã dành 20 năm để hoàn thiện phát minh giá trị này và “xe lăn thông minh” được xếp hạng ba trong top 100 sáng chế tiêu biểu ​​của Úc, được đánh giá bởi một hội đồng giám khảo gồm 100 chuyên gia để tìm kiếm ý tưởng sáng tạo có tiềm năng thành công về mặt thương mại. Do đó, ông được mệnh danh “Người thầy của những phát minh”.

Theo GS Nguyễn Hùng, ông bắt tay nghiên cứu chế tạo “xe lăn thông minh” xuất phát từ lý do, năm 2005, con trai ông là Jordan Nguyễn bị chấn thương nặng khi lao xuống hồ bơi. Tai nạn này khiến Jordan suýt bị liệt. “Chính con trai tôi đã cộng tác cùng tôi trong công trình này. Dĩ nhiên chúng tôi không tạo ra những chiếc xe lăn, nhưng chúng tôi tạo ra những thiết bị điều khiển đi kèm chúng dựa trên điều khiển của bộ não”, GS cho biết.

Chiếc xe lăn được thiết kế có chức năng như robot có thể tự di chuyển và né tránh các vật thể mà chúng nhìn thấy được qua camera lắp đặt sẵn trên xe. Vì vậy, chiếc xe lăn có thể di chuyển theo mệnh lệnh từ cái lắc đầu, ánh mắt, thậm chí là suy nghĩ của chủ nhân.

“Chiếc xe lăn thông minh điều khiển bằng ý nghĩ đã tạo ra cuộc cách mạng cho người bị liệt”, GS Hùng cho biết. “Tôi tin tưởng chiếc xe lăn thông minh này sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn cho những người bị chứng bại liệt. Thời gian qua, chiếc xe lăn đã được thử nghiệm thành công và có thể được thương mại hóa trong vòng từ 1-5 năm tới tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư”.

GS Hùng tâm sự, ông mong muốn một ngày gần đây, những phát minh của ông, đặc biệt là chiếc xe lăn thông minh, sẽ có mặt ở Việt Nam để những người tàn tật có thể sử dụng. Nhưng hiện giá thành chiếc xe này còn khá đắt, ở Úc có giá khoảng 15.000 USD.

GS Hùng rất đam mê nghiên cứu để có thể phát minh ra những phương tiện giúp những bệnh nhân đi lại khó khăn hay những người khuyết có thể đi lại một cách dễ dàng và độc lập hơn. Ông đang nghiên cứu máy báo chứng bệnh Parkinson tiên đoán trước sự dừng lại bất thường của người bệnh để giúp họ tránh bị ngã.

GS Nguyễn Hùng tốt nghiệp kỹ sư với bằng danh dự hạng ưu, được trao tặng Huân chương Đại học tại Úc năm 1976 và hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 1980. Ông là thành viên cấp cao của Viện Kỹ sư điện và điện tử. Ông cũng là thành viên của Viện Kỹ sư Úc, Hội Tin học Úc và Hiệp hội Máy tính Anh.

NGUYÊN THANH

;
.
.
.
.
.