Trong chuyến bay thử nghiệm vòng quanh thế giới đầu tiên, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời có người lái - Solar Impulse 2 (Si2) đã phá kỷ lục về khoảng cách đối với những máy bay sử dụng năng lượng mặt trời.
Máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2. (Nguồn: Usatoday.com) |
Theo người đứng đầu dự án Solar Impulse đồng thời là phi công cùng điều khiển Si2 Bertrand Piccard, tính đến thời điểm bay tới Ahmedabad, miền Tây Ấn Độ ngày 10-3, chiếc máy bay này đã bay liên tục được một đoạn đường dài 1.468km, đây là khoảng cách bay liên tục dài nhất được thực hiện bởi một chiếc máy bay sử dụng năng lượng mặt trời.
Trước đó, Giám đốc Điều hành và là người đồng sáng lập Solar Impulse Andre Borschberg đã thiết lập một kỷ lục về khoảng cách với Solar Impulse 1 khi bay được 1.358km từ bên này sang bên kia nước Mỹ.
Si2 đã hạ cánh xuống bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ vào lúc 23 giờ 25 phút giờ địa phương ngày 10-3 (gần 1 giờ sáng 11/3 giờ Hà Nội) trong chặng hành trình bắt đầu từ thủ đô Muscat của Oman với gần 16 giờ bay. Chặng đường dài nhất trong chuyến hành trình bay vòng quanh thế giới sẽ là 8.500km khi Si2 bay qua Thái Bình Dương không ngừng suốt 5 ngày 5 đêm từ Nam Kinh (Trung Quốc) tới Hawaii.
Bắt đầu chuyến bay vòng quanh thế giới vào ngày 9-3 từ thủ đô Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) , dự kiến Si2 sẽ bay tổng cộng một chặng đường dài 35.000km và qua hai đại dương. Si2 sẽ dừng tại 12 điểm trên hành trình kéo dài 5 tháng với tổng thời gian bay khoảng 25 ngày.
Chiếc máy bay này sẽ di chuyển với vận tốc trung bình từ 50 đến 100km/giờ và giảm xuống vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng.
Si2 là máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời có người lái thứ hai, sau chiếc Solar Impulse. Si2 cấu tạo bằng sợi cácbon, nặng 2,3 tấn, sử dụng 4 động cơ 17,5 mã lực được cấp điện nhờ 17.248 viên pin mặt trời lắp dọc thân máy bay và một sải cánh dài 72 mét, tương đương sải cánh của máy bay Airbus A380.
Việc "người tiền nhiệm" Solar Impulse hoàn thành chuyến bay thử nghiệm trong vòng 26 giờ năm 2010 đã chứng minh pin mặt trời có thể tích đủ năng lượng ban ngày để dùng vào ban đêm.
TTXVN/Vietnam+