Khoa học - Công nghệ
Ứng dụng năng lượng mặt trời ở nông thôn
Hơn 1 năm qua, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời (NLMT) tại huyện Hòa Vang” do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (TKNL&TVCGCN), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng chủ trì triển khai đã giúp người dân chủ động nguồn nước nóng và đảm bảo nguồn điện cho việc sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cũng như khám chữa bệnh.
Nước nóng năng lượng mặt trời phục vụ đun nấu tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh tại xã Hòa Nhơn. |
Có thể nói, việc triển khai ứng dụng các thiết bị NLMT vào thực tế nông thôn Hòa Vang đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Hưởng lợi từ nguồn nước nóng NLMT
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP. Đà Nẵng (cơ sở 3) tại xã Hòa Nhơn. Đây là một trong những đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ hiệu quả dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng NLMT tại huyện Hòa Vang”. Tại trung tâm, hệ thống nước nóng được sử dụng vào việc đun nấu, tắm giặt hằng ngày cho trẻ.
Anh Bùi Trung Hiếu, nhân viên Công tác xã hội, tại đây cho biết, trung tâm có hơn 60 trẻ đang được nuôi dưỡng, học tập, học nghề. Các trẻ hầu hết bị thiểu năng trí tuệ, trẻ khuyết tật và trẻ nạn nhân chất độc da cam nên việc tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. Song, giờ có nước nóng vô trùng sử dụng, việc sinh hoạt trở nên dễ dàng và sạch sẽ hơn.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài nguồn nước nóng NLMT, trung tâm còn được hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện NLMT. Vốn ở xa nguồn điện lưới, xung quanh là các hộ làm đá chẻ nên nguồn điện tại trung tâm rất chập chờn. Theo các cán bộ tại trung tâm thì sắp tới sẽ có nguồn điện từ pin mặt trời, các hoạt động học tập, sản xuất và sinh hoạt của các em tại trung tâm sẽ ổn định hơn.
Ở Trạm Y tế xã Hòa Nhơn cũng được trang bị 2 máy nước nóng, mỗi máy 300 lít nên nguồn nước nóng luôn cung cấp đầy đủ cho người bệnh trong quá trình nằm viện, phục vụ khử trùng, vệ sinh thiết bị y tế. Theo bà Trần Thị Điểm, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Nhơn, trung bình mỗi tháng trạm tiếp nhận khoảng 1.400 - 1.500 bệnh nhân. Trước đây, chủ yếu dùng nước từ giếng đóng, từ khi có nguồn nước nóng NLMT, các y, bác sĩ và bệnh nhân an tâm hơn trong việc khám, điều trị bệnh và trong sinh hoạt hằng ngày.
Thiết thực cho vùng nông thôn
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng NLMT tại huyện Hòa Vang” sau hơn 1 năm thực hiện đã giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng điện tại các đơn vị thụ hưởng. Ngoài ra, còn góp phần vào thành công chung của chương trình nông thôn mới tại huyện Hòa Vang.
Dự án mới làm thí điểm ở 24 đơn vị nhưng có thể thấy tiềm năng ứng dụng NLMT để nâng cao chất lượng sống vùng nông thôn là rất lớn. Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Trung tâm TKNL&TVCGCN, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, Trung tâm hiện đã triển khai lắp đặt hệ thống máy nước nóng NLMT cho 24 đơn vị (11 trường mầm non, 11 trạm y tế, 1 trung tâm bảo trợ xã hội và 1 bệnh viện) với tổng công suất 16.000 lít/ngày; lắp đặt hệ thống cung cấp điện năng lượng mặt trời cho 1 đơn vị trên địa bàn huyện.
Theo tính toán, tại 24 điểm nói trên, nếu sử dụng NLMT đun nấu, sẽ tiết kiệm được trên 472 triệu đồng/năm so tiền dùng điện nấu nước và nếu không phải dùng khí đốt, sẽ tiết kiệm gần 400 triệu đồng/năm. Ngoài tiết kiệm điện và khí đốt, dự án còn giảm được khá lớn khí thải CO2 ra môi trường (ước tính bước giảm được khoảng trên 146 tấn CO2 tại 24 điểm triển khai).
Ông Mai Quốc Quy, đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng SolarBK, đơn vị triển khai lắp đặt các mô hình, cho biết thêm, hiệu quả của dự án được đánh giá ở 3 tiêu chí là an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Nhiệt độ trung bình của nước nóng là 50-60oC nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hơn nữa, khi sử dụng NLMT giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận hành bảo dưỡng các thiết bị.
Nhu cầu sử dụng điện, nước nóng NLMT là rất lớn. Vì vậy, từ những hiệu quả này, các sở, ngành cần phối hợp với địa phương để nhân rộng mô hình, cho nhiều đơn vị hơn được thụ hưởng.
Bài và ảnh: Thanh Tình