Khoa học - Công nghệ
Băng Bắc Cực đang tan chảy nhanh chóng
Hình ảnh vệ tinh vừa được NASA và ESA (Cơ quan vũ trụ Châu Âu) cung cấp cho thấy một khối băng trôi khổng lồ tại Bắc Cực đang tan chảy nhanh chóng.
Bức ảnh được chụp từ vệ tinh Aqua vào ngày 16-7. Ảnh NASA |
Việc có thể nhìn thấy quá trình tan băng dễ dàng từ ngoài không gian là một tin rất xấu đối với môi trường. Khối băng lớn trong ảnh vệ tinh là một phần của đảo Greenland đang có dấu hiệu thay đổi hình thái và tan chảy nhanh hơn trong khoảng thời gian tháng Bảy và tháng Tám.
Hình ảnh trên do vệ tinh Aqua và bộ dữ liệu ảnh viễn thám MODIS của NASA cung cấp. Qua bức ảnh, ta có thể thấy những khối băng hình xoắn ốc đang được hình thành bởi dòng chảy và gió trên vùng biển Greenland thuộc Bắc Băng Dương. Thêm vào đó, dọc bờ biển Greenland, xuất hiện ngày càng nhiều những dòng sông băng và các tảng băng trôi. Sự xuất hiện của sông băng là một đặc điểm cho thấy lớp băng ngoài cùng sát biển có tác dụng "chắn dòng" như "con đê" đã bị phá vỡ.
Theo NASA, mùa hè 2015 tiếp tục chứng kiến lượng băng cực thấp bao phủ tại Bắc Cực. Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm qua, đã có tới 9 năm ghi nhận quy mô băng biển thấp kỷ lục vào thời gian này.
Ảnh được chụp từ vệ tinh thời tiết Sentinel-1A của ESA. |
NASA cũng cho biết thêm, Bắc Cực nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ gấp 2 - 3 lần so với các nơi khác trên Trái Đất. Do vậy, bất kỳ một sự thay đổi nhiệt độ nào dù nhỏ nhất trên toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng rất rõ rệt trên bề mặt băng ở Bắc Cực.
Trong khi đó, một bức ảnh khác mới được Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) cung cấp gần đây cho thấy vấn đề dường như còn đáng lo ngại hơn. Bức hình được chụp vào ngày 16-8 vừa qua bởi vệ tinh thời tiết Sentinel-1A trên dòng sông băng Jakobshavn ở phía Tây đảo Greenland. Tại khu vực này đã xuất hiện một khối băng vỡ từ dòng sông băng Jakobshavn có diện tích lên tới 12,4 km2.
Theo ESA phân tích: "Giả sử khối băng có bề dày 1400 mét, nó sẽ có thể tích khoảng 17,5 km3. Con số có thể gần như bao trọn toàn bộ đảo Manhattan (Mỹ) trên một lớp băng dày 300 mét".
Khi nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng và thế giới vẫn loay hoay trong cuộc chiến ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ, Bắc Cực cũng như Nam Cực đang chính là những "khổ chủ" phải gánh chịu những tác động trực tiếp từ hiện tượng do chủ yếu con người gây ra.
Theo Tiến Thanh (VnReview)