Đồng cảm với nỗi cực nhọc của người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khi phơi bánh tráng vào mùa mưa, nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo ra chiếc máy sấy tận dụng nhiệt từ lò tráng bánh để hỗ trợ cho người dân Quảng Nam.
Đồng cảm với nỗi cực nhọc của người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khi phơi bánh tráng vào mùa mưa, nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo ra chiếc máy sấy |
Vượt qua gần 250 ý tưởng tham gia cuộc thi Holcim Prize 2015, đề tài “Tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh cho các hộ dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam” của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa: Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền, Lê Văn Viễn được đánh giá là một ý tưởng có tính mới và khả năng ứng dụng cao.
Nguyễn Thị Hà, một thành viên của nhóm, chia sẻ: “Trong một lần về nhà bạn chơi tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam, mình đã chứng kiến cảnh bà con làm nghề tráng bánh phải rất khó khăn mới có thể sấy khô bánh tráng vào những ngày mưa. Cảm nhận được những khó khăn ấy của bà con và nhận thấy nguồn nhiệt thải ra từ lò tráng bánh lớn nếu không tận dụng sẽ rất phí, nên tụi mình nảy ý tưởng sẽ chế tạo thiết bị tận dụng nhiệt từ khói thải này để sấy bánh".
Về nguyên lí làm việc, Phượng cho biết: “Nguyên lí làm việc của hệ thống rất đơn giản: khi nhiên liệu như trấu, than, mùn cưa…. được đưa vào cửa cấp nhiên liệu sẽ được đốt cháy tạo ra nhiệt. Một phần năng lượng có ích dùng cấp cho nồi để tráng bánh, phần còn lại theo khói thải đi vào calorifer trao đổi nhiệt với môi chất trong giàn ống ở phần ngưng rồi theo ống khói thoát ra ngoài. Môi chất ở phần ngưng nhận nhiệt của khói thải đến sôi thành hơi rồi chuyển động lên phần ngưng của dàn ống nhiệt.
Tại đây, không khí được cấp vào cửa số nhận nhiệt của môi chất thành không khí nóng rồi được quạt hút vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh rồi thoát ra ngoài. Hơi nước trong ống nhiệt sau khi nhả nhiệt cho không khí ngưng tụ thành lỏng rồi chuyển động về lại phần sôi và chu trình cứ thế tiếp tục. Với mẫu thiết kế ban đầu, đảm bảo bánh tráng sau khi sấy sẽ đạt được độ ẩm cần thiết cho việc bảo quản với năng suất 30kg bánh/ngày (mỗi kg từ 15 - 20 cái bánh tráng)”.
Theo tính toán, chi phí mua nhiên liệu đốt để sấy bánh theo phương pháp cũ ở những ngày mưa sẽ là nguồn kinh phí đầu tư cho thiết bị sấy này. Theo phương pháp sấy bánh tráng cũ sử dụng các nhiên liệu như trấu, mùn cưa, than… sẽ gây ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng thiết bị này sẽ giúp giảm thiểu các tác động môi trường trên.
Đồng thời, thiết bị giúp người lao động hạn chế tiếp xúc với khói độc, tiến tới việc sản xuất sản phẩm sạch cho thị trường. Ngoài ra, dự án có thể áp dụng nhân rộng ở địa phương khác mà không cần phải điều chỉnh nhiều.
Với khả năng ứng dụng cao, đề tài “Tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh tráng cho các hộ dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam” đã đoạt giải Ứng dụng, Holcim Prize 2015, với phần thưởng trị giá 70 triệu đồng.
Nhóm đề tài được Holcim Việt Nam hỗ trợ 200 triệu đồng để triển khai thí điểm thực tế.
“Thời gian tới, các bạn trong nhóm dự định sẽ hoàn thiện chiếc máy một cách chất lượng và hiệu quả hơn bằng cách thay đổi một số nguyên liệu không rỉ cho vỏ ngoài của máy và các thiết bị bên trong chất lượng hơn”, Hà cho biết thêm.
Giải thưởng Holcim Prize là một sân chơi khoa học, nơi sinh viên trình bày những ý tưởng có thể ứng dụng vào thực tế, giải quyết những nhu cầu bức thiết của cộng đồng. Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua một phần hỗ trợ triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất. Đây là cũng là cơ hội tốt cho các bạn sinh viên ứng dụng những lý thuyết học được trong nhà trường vào thực tế. Giải thưởng Holcim Prize 2015 được khởi động từ tháng 10/2014 nhằm mục đích tạo ra sân chơi cho sinh viên nghiên cứu ứng dụng các ý tưởng phục vụ phát triển bền vững xoay quanh ba lĩnh vực: Phát triển cộng đồng; Bảo vệ môi trường và Xây dựng bền vững. |
Theo ICTnews