Khoa học - Công nghệ
Cơ hội mới cho Đà Nẵng
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã đồng ý chủ trương và cấp đất để Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam xây dựng Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng nguyên tử tại Đà Nẵng.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở mới này sẽ mở ra cơ hội cho Đà Nẵng trong việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong tất cả các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Dự án Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Đà Nẵng sẽ được khởi công xây dựng tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. |
Cần một cơ sở nghiên cứu và ứng dụng
Viện NLNT Việt Nam (gọi tắt là Viện) được thành lập từ năm 1976. Đến nay, Viện đã có các cơ sở nghiên cứu tại Hà Nội, Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh. Các cơ sở nghiên cứu của Viện tại các địa phương đã góp phần giải quyết các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của 3 thành phố nói trên, đồng thời, đáp ứng một phần nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố lân cận. Tại khu vực miền Trung, cho đến nay, Viện chưa có cơ sở nghiên cứu và triển khai về NLNT, vì vậy, chưa đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển của khu vực.
Do vậy, việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu và ứng dụng nguyên tử mới của Viện tại Đà Nẵng sẽ đáp ứng nhu cầu khử trùng, bảo quản lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản xuất khẩu của khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó sẽ đảm bảo an toàn bức xạ một cách kịp thời cho các cơ sở y tế có sử dụng kỹ thuật hạt nhân. Đồng thời, tại cơ sở này sẽ xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp vùng, kết hợp nhiệm vụ tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân xảy ra trong khu vực. Mặt khác, khi cơ sở này hình thành sẽ giải quyết được các nhu cầu về kiểm định định kỳ cho các bệnh viện, trung tâm y tế, đảm bảo an toàn bức xạ một cách nghiêm ngặt.
Sẽ khởi công vào cuối năm 2015
Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng NLNT sẽ được xây dựng tại thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Dự án này do Viện NLNT Việt Nam làm chủ đầu tư với tiến độ thực hiện từ năm 2015-2020 và được xây dựng trên khu đất có diện tích 10,59ha; dự kiến, trong quý 4 này sẽ được khởi công xây dựng.
Theo lộ trình, dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn; trong đó, sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục về nhà chiếu xạ, nhà thí nghiệm, trung tâm gia tốc và tổ hợp sản xuất dịch vụ, các phòng làm việc, thư viện tích hợp KH&CN của Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia, các trung tâm của Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, các hạng mục công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật khác.
Theo ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, việc xây dựng Cơ sở nghiên cứu và ứng dụng NLNT tại Đà Nẵng sẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, phát triển công nghệ bức xạ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, môi trường biển và vật liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ và quan trắc môi trường hiện đại sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng trở thành một trung tâm nghiên cứu có sức lan tỏa về công nghệ và kỹ thuật NLNT cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tại Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, để dự án thành công, Đà Nẵng rất cần sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN, Cục NLNT, Viện NLNT Việt Nam và các bộ, ngành khác. Ngoài ra, thành phố cũng mong nhận được sự hợp tác của các chuyên gia, cơ quan và đơn vị liên quan để việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hạt nhân phục vụ mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đà Nẵng. |
Đan Tâm