.

Người chế tạo những "hướng dẫn viên số"

.

ĐNĐT - Khách tham quan khi đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm đều rất thích thú với thiết bị tai nghe hướng dẫn du lịch (audioguide) hay chiếc hộp nhỏ có khắc hình tượng vũ nữ Apsara kèm thuyết minh. Ít ai biết rằng, đó đều là những sản phẩm tâm huyết của anh Hồ Hải Duy (1979, trú Q.Hải Châu) - vốn xuất thân là một hướng dẫn viên du lịch.

Hồ Hải Duy với thiết bị tinh thể pha lê có khắc tượng Chăm đi kèm thuyết minh
Hồ Hải Duy với thiết bị tinh thể pha lê có khắc tượng Chăm đi kèm thuyết minh.

Hồ Hải Duy là đồng sáng lập Công ty Cổ phần Truyền thông & Dịch vụ du lịch LD&D, có trụ sở tại TP Đà Nẵng. Đây là đơn vị cung cấp những thiết bị hướng dẫn, thuyết minh có tích hợp công nghệ nhằm phục vụ du khách đến thăm quan Bảo tàng Điêu khách Chăm. Những thiết bị như tai nghe hướng dẫn, chiếc hộp có khắc hình tượng kèm thuyết minh đều là những sản phẩm từ quá trình dày công sáng tạo của Duy.

Theo Duy, xuất phát từ mong muốn quảng bá những hiện vật của bảo tàng ra thế giới, cộng với niềm đam mê mày mò, chế tạo những sản phẩm công nghệ, anh đã không ngại đầu tư kinh phí, nghiên cứu để chế tạo những sản phẩm phục vụ cho du khách.

“Trong quá trình công tác tại bảo tàng trước năm 2008, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều du khách bốn phương, họ có niềm say mê, hứng thú với những hiện vật mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ. Tuy nhiên, công tác giới thiệu thông tin về giá trị của những hiện vật trong lúc đó vẫn còn hạn chế vì thiếu hụt về nhân lực, vật lực. Chính vì thế, tôi luôn đau đáu với suy nghĩ làm sao chế tạo được những sản phẩm công nghệ có tính tiện dụng, hỗ trợ tốt cho du khách đến tham quan bảo tàng”, Duy chia sẻ.

Kể từ năm 2008, Duy nghỉ làm hướng dẫn viên du lịch tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm để sang Mỹ du học chuyên ngành khoa học máy tính, sau đó là chuyên ngành quản trị du lịch. Trong những năm tháng du học tại Mỹ, khi được tiếp xúc với công nghệ thuyết minh du lịch bằng tai nghe, Duy đã tận dụng thời gian rảnh rỗi, tự mình nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm để đưa về Việt Nam ứng dụng.

Cuối năm 2013, Duy “trình làng” sản phẩm của mình với Ban giám đốc Bảo tàng và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Bắt đầu từ tháng 11-2014, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã triển khai ứng dụng dịch vụ thuyết minh tai nghe (audioguide) nhằm hướng đến sự đa dạng và nâng cao chất lượng hướng dẫn, giới thiệu phục vụ du khách đến tham quan bảo tàng. Khách thăm quan chỉ cần nhập mã số của hiện vật vào một thiết bị như điện thoại, hệ thống sẽ thuyết minh đúng theo lịch sử, địa danh, xuất xứ và thông tin của những hiện vật tiêu biểu đó qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện nay, dịch vụ thuyết minh tai nghe được nhiều du khách quan tâm sử dụng.

Khách thăm quan sử dụng dịch vụ tai nghe thuyết minh (audioguide) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Khách tham quan sử dụng dịch vụ tai nghe thuyết minh (audioguide) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Chưa dừng lại ở đó, Duy cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị tinh thể pha lê có khắc tượng Chăm đi kèm thuyết minh cùng nhiều chức năng khác. Thiết bị này gồm 2 phần: phần tinh thể pha lê thủy tinh có khắc tượng vũ nữ Apsara và phần đế đèn LED tích hợp máy phát âm thanh thuyết minh. Riêng phần tượng vũ nữ Apsara được bắn vào khối thủy tinh bằng công nghệ lazer, những ánh đèn LED nhấp nháy bên dưới càng làm cho bức tượng trở nên sống động như thật.

Âm thanh thuyết minh bao gồm nhiều thứ tiếng, không giới hạn dung lượng nhờ vào thẻ nhớ được tích hợp. Sở dĩ Duy lựa chọn bức tượng vũ nữ Apsara cho sản phẩm của mình là bởi đây đã trở thành biểu tượng của điêu khắc Chăm, thể hiện nghệ thuật đỉnh cao của điêu khắc cổ Chămpa.

Duy chia sẻ: “Đây là đứa con tinh thần tiếp theo của mình sau gần 2 năm dày công xây dựng. Thông qua thiết bị này, mình có thể quảng bá những giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc Chămpa đến với du khách thập phương”. Cũng theo Duy, thiết bị này không đơn thuần chỉ là một phương tiện giới thiệu văn hóa, mà nó còn là một chiếc máy nghe nhạc, vật trang trí phong thủy, giải trí cá nhân hữu ích cho bất cứ ai sử dụng.

Về cơ bản, thiết bị tai nghe thuyết minh đã tương đối hoàn thiện, trong tương lai , Duy sẽ tích hợp những clip ngắn giới thiệu các địa điểm du lịch của thành phố vào thiết bị này. Đối với thiết bị tinh thể pha lê có khắc tượng Chăm đi kèm thuyết minh, Duy sẽ thực hiện những cải tiến về thiết kế, thay đổi những hình ảnh mới hơn phù hợp với nhiều chủ đề, thiết bị có thể tích hợp với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.

Ngay đầu tháng 10, Duy đón nhận tin vui: sản phẩm tinh thể pha lê có khắc tượng Chăm đi kèm thuyết minh đã được Cục bản quyền tác giả Việt Nam cấp chứng nhận bản quyền. Trong thời gian tới, Duy sẽ cố gắng đưa vào sản xuất thiết bị đại trà, thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.

“Từ lúc say mê chế tạo những thiết bị này, mình bị nhiều người châm chọc và có khi không ủng hộ bởi vừa tốn công sức, vừa mất quá nhiều thời gian. Thế nhưng, với mong muốn đưa những giá trị văn hóa Chăm đến gần hơn với du khách cùng tình yêu dành cho thành phố biển xinh đẹp này, mình chưa bao giờ có ý định dừng lại” - Duy chia sẻ.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.