.

Ứng dụng nano trong sản xuất thuốc mới

.

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem là yếu tố có tác động to lớn đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc cho ra đời các sản phẩm đặc trị với công nghệ tiên tiến mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là hướng đi mà Công ty CP Dược Danapha đang quyết tâm theo đuổi.

Dây chuyền sản xuất thuốc của Danapha. (Ảnh do Danapha cung cấp).
Dây chuyền sản xuất thuốc của Danapha. (Ảnh do Danapha cung cấp).

Tạo sự khác biệt và cạnh tranh

Những năm gần đây, công nghệ nano có nhiều bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu và phát triển tân dược. Trên thị trường dược phẩm thế giới đã xuất hiện nhiều sản phẩm nano được sử dụng trong phòng, điều trị và chẩn đoán bệnh. Các thuốc nano đã chứng minh khả năng cải thiện đáng kể hiệu quả trị liệu và tăng tính an toàn của sản phẩm so với các dạng bào chế quy ước.

Tiểu phân Nano có kích thước siêu nhỏ 1-1.000 nanomet, có cấu tạo lõi thân nước hoặc thân dầu, dễ dàng phân tán vào môi trường sinh lý bên trong cơ thể. Kích thước tiểu phân nano nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước của tế bào bình thường.

Vì vậy, tiểu phân Nano được thiết kế phù hợp với đường đi của thuốc bên trong cơ thể giúp vận chuyển thuốc đến đúng vị trí cần giải phóng hoạt chất hoặc đích tác dụng sinh học (tế bào bệnh). Từ đó, tăng hiệu quả trị liệu và tính an toàn của thuốc.

Theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ nano của Danapha là bước tiến mới trong ngành y dược học Việt Nam. Bởi, tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp (DN) dược đều cạnh tranh nhau ở phân khúc sản phẩm điều trị thông thường, rất ít DN đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu.

Ông Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Danapha cho biết, chính điều này đã thúc đẩy Danapha theo đuổi định hướng ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất dược phẩm để tạo được sự khác biệt và cạnh tranh ngang bằng với các công ty dược phẩm trên thế giới.

Cũng theo ông Trị, định hướng này đã được Danapha ấp ủ và theo đuổi từ rất lâu. Hiện, Danapha đã lập hồ sơ đăng ký là doanh nghiệp khoa học công nghệ, sẽ phát triển đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm Liposome Etoposide và thuốc tiêm Liposom Paclitaxel điều trị ung thư” với công nghệ thuốc điều trị tại đích tiên tiến trên thế giới thành dự án để đầu tư xây dựng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Ngoài ra, Danapha cũng đang nghiên cứu, bào chế sản phẩm nano kết hợp giữa dầu mù u và curcumin (tinh chiết nghệ) thành các sản phẩm giúp tăng cường hiệu quả kháng viêm da, điều trị bỏng, nhanh liền sẹo và chống lão hóa da.

Song song, Danapha cùng nhóm nghiên cứu đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đang phát triển sản xuất dòng sản phẩm viên nang mềm chứa các tiểu phân nano nguồn gốc thiên nhiên nang hóa các thành phần chống oxy hóa mạnh trong tự nhiên kết hợp với nhiều thành phần vitamin và khoáng chất để bào chế thuốc giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Nâng cao sức khỏe y tế cộng đồng

Theo các chuyên gia y dược, ngành dược nước ta có quy mô lên tới gần 3 tỷ USD, nhưng thị phần các DN nội địa chỉ chiếm khoảng 50% và đa phần vẫn còn cạnh tranh nhau ở phân khúc các sản phẩm điều trị thông thường, rất ít DN đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu. Do đó, để tạo ra sự khác biệt và đột phá trong ngành dược, không còn con đường nào khác ngoài việc nâng tầm khoa học công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất.

Trong một hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ nano trong nghiên cứu phát triển thuốc mới vừa được tổ chức gần đây, PGS, TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia cao cấp Dược học, đã cho rằng, trong tình hình các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân còn hạn chế, các loại thuốc đặc trị còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thuốc ngoại nhập, chi phí cho điều trị các bệnh hiểm nghèo còn là một gánh nặng cho người dân thì việc Danapha chọn cho mình hướng ứng dụng KH&CN trong sản xuất thuốc là cần thiết. Việc ứng dụng thành công công nghệ nano không chỉ tăng sức cạnh tranh cho DN dược, mà còn góp phần cải thiện tình trạng phụ thuộc nguồn thuốc ngoại nhập, giảm đáng kể chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo cho người dân.

Lãnh đạo Danapha cho biết, công ty sẽ sớm hoàn thiện nghiên cứu, sản xuất để đưa ra thị trường các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano, đặc biệt là sản phẩm điều trị ung thư Liposome Paclitaxel. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn hướng đến các sản phẩm có tính cải tiến, đột phá về công nghệ nhằm phát huy tối ưu hiệu quả điều trị của thuốc, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ sức khỏe y tế trong cộng đồng.

Để làm được điều đó, Danapha cần tạo ra được mối liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển lâu dài của công ty; đồng thời chủ động tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao nhằm tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh.

Đan Tâm

;
.
.
.
.
.