.

5 dự đoán xu hướng báo chí và công nghệ kỹ thuật số trong 2016

.

Truyền hình chững lại, podcast phát triển và video trực tuyến tăng trưởng là một số xu hướng truyền thông chủ chốt trong năm 2016, theo dự đoán của nhà chiến lược kỹ thuật số Nic Newman.

Newman là một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Reuters về Báo chí thuộc đại học Oxford.

Báo cáo mang tên "Những dự đoán về Truyền thông, Báo chí và Công nghệ" mới được công bố ngày 12-1 của Newman đã tập trung vào những xu hướng trong ngành công nghiệp truyền thông và công nghệ, từ sự phát triển của điện thoại di động thông minh đến các cách thức hoạt động giữa mạng xã hội và các hãng tin tức. Newman cũng đã khảo sát 130 lãnh đạo các công ty kỹ thuật số tại 25 quốc gia về những thách thức và cơ hội của nhóm ngành này.

Dưới đây là một số điểm nhấn của báo cáo.

Đầu tư vào video trực tuyến tăng mạnh

Khoảng 78% lãnh đạo các công ty kỹ thuật số cho biết, họ sẽ đầu tư mạnh hơn vào video trực tuyến trong năm nay do lượng người xem video trên các thiết bị di động được dự đoán sẽ tăng trưởng.

Những định dạng video mà các công ty truyền thông sẽ tập trung phát triển trong năm 2016 bao gồm video 360 độ và video phát trực tiếp (live streaming) nhằm nâng cao hơn tính chân thực của câu chuyện được truyền tải; video dạng thẳng đứng phù hợp để xem trên điện thoại di động; và thực tế ảo, với cơ hội thử nghiệm tại kỳ Olympics và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Bản báo cáo cũng đã đề cao việc báo Washington Post có 4 địa điểm ghi hình trực tiếp và BuzzFeed Motion Pictures, một đơn vị sản xuất video tại Los Angeles của BuzzFeed với 250 nhân sự hiện đang thử nghiệm ghi hình video với nội dung dạng ngắn gọn và dạng dài. The Huffington Post và Upworthy cũng đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất video của họ từ đầu năm 2016.

Theo báo cáo này, Facebook rất có thể sẽ dành một thẻ (tab) riêng cho video với các tính năng tìm kiếm tốt hơn, giúp người dùng có thể vừa xem video khi đang hoạt động đa nhiệm cũng như lưu lại để xem sau.

Những đặc điểm và cơ hội mới của điện thoại thông minh

Newman nhận định rằng điện thoại thông minh “không chỉ là cánh cổng tiếp cận thế giới kỹ thuật số của đa số chúng ta, mà còn là chiếc điều khiển từ xa của cả cuộc sống, bởi các thiết bị mang hệ điều hành iOS và Android hiện đang có số lượng gấp 5 lần so với máy tính cá nhân”.

Một khảo sát gần đây được nhắc đến trong báo cáo cho thấy ở Anh, người dân nhìn vào màn hình điện thoại tổng cộng hơn 1 t​ỷ lần mỗi ngày và 60% người dùng kiểm tra điện thoại trong vòng 15 phút sau khi ngủ dậy.

Newman dự đoán, kiểu màn hình cảm ứng 3D Touch đã được Apple giới thiệu năm 2015 sẽ tiếp tục được các công ty đối thủ ra mắt trong năm nay, cùng với những điện thoại thông minh dạng gập và chống thấm nước. Mạng không dây cũng sẽ trở nên thông dụng hơn, cho phép nhiều người tiếp cận với tốc độ truy cập và xử lý dữ liệu cao hơn.

Các thông báo tin tức dạng văn bản (push notification) cũng là một xu hướng di động đáng chú ý khác, giúp các nhà xuất bản tin tức tiếp cận trực tiếp với những người không thường xuyên dùng các ứng dụng đọc tin tức hay truy cập các trang web dành cho điện thoại di động.

Newman nhấn mạnh rằng, số người dùng thông báo tin tức đã tăng hơn gấp đôi tại những quốc gia mà các thiết bị như đồng hồ thông minh trở nên phổ biến, như Anh hay Pháp.

Anh giải thích rằng, trong năm 2015, các nhà xuất bản tin tức như New York Times sẽ thử nghiệm các thông báo mang tính cá nhân hơn dựa trên thời điểm hay lịch sử đọc tin của mỗi người dùng riêng biệt. NYT đã thành lập một nhóm 11 người “chuyên tập trung sáng tạo và xếp lịch gửi thông báo mà không làm phiền hay gây gián đoạn cho người dùng”.

Thanh toán qua điện thoại di động cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2016. Mặc dù chỉ chiếm 1,6% tổng doanh số tại Mỹ năm 2015, nhưng con số này sẽ tăng trong năm nay khi các nhà cung cấp nền tảng, nhà bán lẻ và tiếp thị đều có hứng thú đón nhận công nghệ mới và người tiêu dùng sẽ thấy hấp dẫn hơn với sự tiện dụng cùng lợi ích về tốc độ và tính an toàn của ví tiến điện tử.

Sự chững lại của truyền hình


Lượng người xem truyền hình tại nhiều quốc gia đang giảm đi do sự phổ biến ngày càng tăng của các dịch vụ như Netflix, cung cấp các chương trình TV, phim tài liệu hay phim ảnh theo yêu cầu, có thể đáp ứng chỉ trong vài giây.

Theo báo cáo của Newman, các chương trình tin tức và sự kiện trên tivi hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngày càng có nhiều người hủy đăng ký truyền hình cáp và chuyển sang xem các chương trình yêu thích trên mạng.

Báo cáo dự đoán 2016 sẽ là một năm thành công của Netflix, khi công ty này đặt mục tiêu sở hữu bản quyền của nhiều nội dung gốc hơn và đầu tư hơn 6 tỷ USD cho mục đích này.

Các hãng truyền thông công cộng cũng là đối tượng đang bị đe dọa trước sự bành trướng của truyền hình trực tuyến. Trong bối cảnh lượng khán giả đang giảm, sẽ rất khó duy trì sự ủng hộ đối với việc đánh thuế hay thu phí bắt buộc với toàn dân.

Podcast tiếp tục bùng nổ

Các gói tin tức dạng âm thanh sẽ tiếp tục phổ biến trong năm 2016, phù hợp với sự phát triển của văn hóa streaming.

Newman đã chỉ ra rằng những nhà sản xuất podcast muốn chia sẻ sản phẩm của mình trên mạng theo một cách hiệu quả hơn có thể dùng Clammr – một công cụ giúp chia sẻ dễ dàng hơn các đoạn trích dẫn từ các tin tức dạng âm thanh có thời lượng lớn lên mạng xã hội, cho phép nhiều người tiếp cận với thông tin hơn.

Spotify cũng đang lên kế hoạch đưa podcast vào nền tảng hoạt động của mình và ​mang phát thanh chất lượng cao đến được với nhiều thính giả hơn trong năm 2016.


Năm 2015, Twitter vẫn duy trì được 350 triệu người dùng mỗi tháng. Trong khi đó, Instagram lần đầu tiên đạt được 400 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Những “ông lớn kỹ thuật số” sẽ tập trung kiếm tiền từ cơ sở người dùng khổng lồ này bằng những dịch vụ để cạnh tranh với Facebook - mạng xã hội đã đạt 1 tỷ người dùng mỗi ngày trong năm 2015.

Newman giải thích rằng, các mạng xã hội sẽ cho phép các hãng tin phát hành thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết, nhờ sự xuất hiện của Facebook Instant Articles, thậm chí là những lời đồn về việc Twitter sẽ cho tăng số ký tự giới hạn lâu nay.

Mạng xã hội cũng sẽ nâng cao các “tùy chọn chia sẻ cảm xúc,” như tăng cường số biểu tượng cảm xúc cho người đọc sử dụng khi đăng phản ứng về một câu chuyện tin tức nào đó.

Với việc ngày càng có nhiều người dùng mạng xã hội để đăng các thông tin họ chứng kiến trực tiếp, Newman cũng nhấn mạnh rằng những cải tiến khả thi khác trong năm 2016 có thể là các tùy chọn giúp xác minh tính đúng đắn của tin tức, làm giảm những thông tin và hình ảnh giả mạo.

Snapchat cũng là một ứng dung tiềm năng, với việc mở rộng tính năng Khám phá (Discover) cho các nhà xuất bản tin tức và Live Stories để đưa tin tức sự kiện trực tiếp.

Báo cáo cũng đề cập đến nhiều dự đoán khác, như sự tăng trưởng của nguồn lực cộng đồng (crowdsourcing) và hệ thống thành viên, hay sự bùng nổ của “báo chí robot”. 

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.