Sau gần 8 tháng phát động, cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học 2015-2016 với chủ đề “Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố và Đoàn trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức, nhiều sinh viên tham gia với hơn 30 đề tài đăng ký dự thi.
Tổng kết cuộc thi vào ngày 19-3, Ban Giám khảo đã chọn ra 14 đề tài và đã có 9 đề tài đoạt giải khuyến khích, 2 giải ba, 2 giải nhì và 1 giải nhất thuộc về sản phẩm “Hệ thống cảnh báo lũ quét” của nhóm sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông.
Hệ thống cảnh báo lũ quét sẽ đo được lưu lượng mưa, từ đó đối chiếu với ngưỡng xảy ra lũ quét để đưa ra cảnh báo kịp thời. Hệ thống dễ lắp đặt và sử dụng với chi phí thấp. Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc thường xảy ra lũ quét như Lai Châu, Sơn La.
Tổ chức sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học là cách thôi thúc tính sáng tạo của sinh viên khi còn trên giảng đường. Ảnh: Thanh Tình |
Đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường; nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, cuộc thi năm nay đã tập trung nghiên cứu, thiết kế những sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thích ứng với BĐKH.
Các đề tài nghiên cứu ở hầu hết các lĩnh vực từ hóa, môi trường, cơ khí, điện tử, điện… Những công trình nghiên cứu nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn và thiết thực như: “Những nghiên cứu nhằm ứng dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện năng và tạo ra nước ngọt từ nước biển cho người dân biển, đảo” hoặc “Thiết kế xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời”, “Thiết kế hệ thống cảnh báo lũ quét”, “Xử lý bùn cặn từ trạm xử lý nước thải”, “Sử dụng tro bay làm phụ gia cho cọc xi-măng đất gia cố nền đất yếu”… được sinh viên bắt tay vào nghiên cứu.
Các đề tài tuy ở góc độ nghiên cứu của sinh viên nhưng đã tiếp cận được các phương pháp nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học bám sát vào thực tế cuộc sống. Ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ thuộc Sở KH&CN, thành viên Ban Giám khảo nhận xét: “Các đề tài có khá nhiều ý tưởng hay và phương pháp giải quyết khoa học, hiệu quả. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để đạt kết quả nghiên cứu cao hơn và thiết thực hơn với cuộc sống”.
Trên cơ sở những nghiên cứu này, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan như Trung tâm Xúc tiến du lịch, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng… để đưa các sản phẩm nghiên cứu của các em ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Đồng thời, Đoàn Sở KH&CN sẽ phối hợp Đoàn trường Đại học Bách khoa định hướng cho các em chọn những đề tài có tính khả thi để nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa và có thể đăng ký nghiên cứu đề tài cấp cơ sở.
Ông Võ Đức Anh, Bí thư Đoàn Sở KH&CN cho rằng: “Cuộc thi đã khơi dậy tinh thần sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, tạo ra sân chơi lành mạnh, trí tuệ cho các bạn trẻ, phát hiện các ý tưởng công nghệ tiềm năng có thể hỗ trợ khởi nghiệp; đồng thời nêu cao ý thức và trách nhiệm của thanh niên với thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Ông Phan Bảo An, Chánh Văn phòng Đảng ủy Đại học Đà Nẵng nhận định cuộc thi đã giúp các em nâng cao kiến thức, phát triển khả năng nghiên cứu khoa học, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư, từ đó mở ra định hướng nghề nghiệp cho các em sau khi ra trường. Đây là cơ sở thể hiện mối liên kết giữa nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước.
Về phía sinh viên, các em nhận thấy các cuộc thi như thế này vô cùng hữu ích, có cơ hội củng cố và nâng cao vốn kiến thức đã học từ nhà trường, đồng thời đưa vốn kiến thức ấy vào thực tiễn nghiên cứu, cho ra những sản phẩm có khả năng ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong tương lai.
Tuy nhiên, các em vẫn còn lúng túng ở định hướng nghiên cứu, làm sao các đề tài mà các em nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tế. Nguyễn Huỳnh Nhật Thương, đại diện nhóm nghiên cứu đoạt giải nhất trong cuộc thi năm nay tâm sự: “Cuộc thi đã tạo thêm động lực cho chúng em trong nghiên cứu khoa học, có được nơi để áp dụng những kiến thức đã học; tuy nhiên, điều chúng em còn lo lắng là khả năng áp dụng vào thực tế của các đề tài đã nghiên cứu”.
Thanh Thảo