.
NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM (18-5)

Khoa học và công nghệ: Động lực phát triển thành phố

.

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ có những đóng góp hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh, cải thiện đời sống nhân dân; đặc biệt trong việc thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Các doanh nghiệp tìm hiểu về ứng dụng của khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất.
Các doanh nghiệp tìm hiểu về ứng dụng của khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trong năm 2015, ngành KH&CN tập trung đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN; triển khai thực hiện khoán thí điểm kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng; từng bước nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch nhiệm vụ nghiên cứu hằng năm thông qua việc đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết của thành phố, ngành, địa phương; thực hiện tuyển chọn, mời gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực tốt nhất triển khai thực hiện tăng dần theo từng năm.

Công tác quản lý hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN cũng được triển khai tích cực. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ sinh học thường xuyên được quan tâm, nhất là việc triển khai các mô hình ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ngoài ra, các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN như sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... tiếp tục được chú trọng. Lĩnh vực sáng kiến, lao động sáng tạo được quan tâm đẩy mạnh.

Ngành KH&CN còn tập trung thanh tra việc chấp hành Luật Năng lượng nguyên tử tại các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ. Công tác kiểm định phương tiện đo, thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường luôn được tăng cường.

Đặc biệt, ngành KH&CN còn chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho DN, tăng năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường.

Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN nhìn nhận, thời gian qua, ngành KH&CN triển khai nhiều giải pháp góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác nghiên cứu, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao tiềm lực KH&CN; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng và tăng cường hỗ trợ DN, tranh thủ sự hợp tác của các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng như các nhà khoa học trên địa bàn để hoàn thiện việc đổi mới cơ chế chính sách KH&CN và hỗ trợ DN. Nhờ vậy, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngày càng đúng hướng, đạt được một số thành quả bước đầu đáng khích lệ.

Phải thực sự là động lực

KH&CN đã và đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, điều đó phần nào khẳng định việc đầu tư cho KH&CN là hướng đi đúng đắn. Phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.

Thực tế, thời gian qua, thành phố có những đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ KH&CN; hình thành và phát triển một số tổ chức nghiên cứu trọng điểm như Trung tâm Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao…

Tuy nhiên, để KHCN thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, ngành KH&CN cần tiếp tục đề ra các phương hướng, giải pháp, chiến lược phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, nhà quản lý KH&CN; phối hợp, đồng thuận giữa các sở, ngành, các DN để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường Quốc hội, Đà Nẵng cần có định hướng cơ bản, lâu dài về KH-CN gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Cần tăng cường vai trò tham mưu của Sở KH&CN đối với các dự án KH&CN, các dự án phát triển kinh tế địa phương; có những giải pháp quyết liệt và đúng hướng về KH&CN để phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm về KH&CN ở khu vực miền Trung.

Ông Huỳnh Văn Ngộ cho biết, trong định hướng sắp tới, Sở KH&CN sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực tương ứng với cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết, có đủ trình độ để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý trong hoạt động KH&CN; có biện pháp để đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho KH&CN.

Cùng với đó là tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển ngành KH&CN. Ngoài ra, Sở KH&CN cũng sẽ tranh thủ các ý kiến tư vấn phản biện của trí thức, các nhà khoa học trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực về KH&CN; chú trọng hoạt động thông tin KH&CN và phát triển thị trường KH&CN...

“Khoa học và công nghệ - Chìa khóa của thành công”

Chủ đề Ngày KH&CN Việt Nam năm 2016 được chọn là “KH&CN - Chìa khóa của thành công” với nhiều hoạt động như tuyên truyền, phổ biến pháp luật KH&CN; triển lãm sáng tạo của sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ của các viện, trường, DN; tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu các thành tựu KH&CN của Việt Nam; mở cửa đón khách tham quan các phòng thí nghiệm, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ…

Qua đó, biểu dương và tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.