Khoa học - Công nghệ

Thách thức về sở hữu trí tuệ

08:09, 17/05/2016 (GMT+7)

Ngày 4-2-2016, 12 quốc gia gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời đưa ra lộ trình để hiệp định đi vào hiệu lực là 2 năm sau ngày ký kết. Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những nội dung quan trọng, được quy định đặc biệt khắt khe tại TPP. Do đó, các doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng sẽ phải có nhận định đúng đắn hơn về vấn đề bảo hộ và tôn trọng quyền SHTT.

Biểu đồ : Số lượng đơn đăng ký và số văn bằng sở hữu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015
Biểu đồ : Số lượng đơn đăng ký và số văn bằng sở hữu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015

Tình hình xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Đà Nẵng

Trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các DN trên địa bàn Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2010-2015, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của thành phố tăng 6,02%/năm, số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tăng 9,80%/năm. (xem biểu đồ)

Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền SHTT của các DN vẫn còn những hạn chế nhất định. Tổng số 2.669 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp so với tổng số 14.585 DN trên địa bàn thành phố là một con số khiêm tốn. Ngoài ra, số lượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sáng chế chỉ chiếm 5,4% tổng số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho thấy các DN thành phố chưa thực sự chú trọng đến công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm khác biệt nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Trong giai đoạn 2010-2015, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của thành phố tăng nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trung bình của cả nước 7,23%/năm. Năm 2015, Đà Nẵng chỉ đứng thứ 6 toàn quốc về số lượng văn bằng sở hữu công nghiệp, thấp hơn 21,2 lần so với Hà Nội và 26,5 lần so với thành phố Hồ Chí Minh.

Thách thức về sở hữu trí tuệ

SHTT là công cụ có khả năng phát triển kinh tế và tạo ra của cải chưa được sử dụng với hiệu quả tối ưu. Bảo hộ quyền SHTT sẽ biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền có giá trị, có thể trao đổi trên thị trường. Quyền SHTT được thắt chặt đồng nghĩa với việc đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, cạnh tranh lành mạnh và đề cao việc tôn trọng quyền SHTT. Do đó, khi Việt Nam tham gia TPP, các DN thành phố cần phải chủ động, kịp thời trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, nhằm đem lại quyền sử dụng độc quyền tài sản trí tuệ, tránh tình trạng bị các DN khác đăng ký trước.

Bên cạnh đó, TPP đòi hỏi hệ thống thực thi mạnh mẽ nhằm bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong hoạt động đầu tư và thương mại. TPP đề nghị các thủ tục tố tụng dân sự, biện pháp tạm thời, biện pháp biên giới, thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt đối với làm giả nhãn hiệu với quy mô thương mại và xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Các bên TPP cũng cam kết cung cấp các công cụ pháp lý để ngăn chặn việc xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng có hơn 700 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chiếm 87,8%). Với hệ thống thực thi nghiêm ngặt của TPP, các DN vướng phải những tranh chấp pháp lý SHTT với các DN nước ngoài sẽ có nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP, các DN thành phố cần trang bị cho mình các kiến thức về quản trị SHTT, xem SHTT là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình nhằm đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức khi thực hiện TPP; đồng thời các DN thành phố cần chủ động tiếp cận các chính sách của Trung ương và địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ trong lĩnh vực SHTT, cụ thể là Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.

ĐẶNG CHI

.