Trả lời phỏng vấn báo The Independent (Độc lập), giáo sư Wadhams dự đoán lớp băng nói trên có thể “biến mất” ngay trong năm nay hoặc năm tới. Thời gian sớm nhất xảy ra viễn cảnh này có thể vào tháng 9/2016 và điều đó đồng nghĩa với việc diện tích không phủ băng tại khu vực này sẽ ở mức khoảng 1 triệu km2.
Băng tan. (Nguồn: theguardian.com) |
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi giáo sư Wadhams phân tích các số liệu liên quan tốc độ tan băng trong thời gian gần đây tại Bắc Bán cầu. Nếu 30 năm trước, diện tích lớp băng bao phủ Bắc Cực ở mức 12,7 triệu km2, thì đến đầu năm nay con số này đã giảm xuống còn 11,1 triệu km2. Cho tới thời điểm hiện tại, băng bao phủ bề mặt Bắc Cực chỉ ở mức 3,4 triệu km2 - mức thấp kỷ lục từ trước tới nay.
Trước đó, hồi đầu tháng Tư vừa qua, tạp chí Science Advances đăng tải báo cáo mới của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trong đó cảnh báo tình trạng tan băng ở Bắc Cực có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong độ nghiêng và ảnh hưởng đến chuyển động quay quanh trục của Trái Đất.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu và thám hiểm tiến hành đo đạc độ lệch của cực từ Trái Đất và chuyển động vùng cực kể từ năm 1899. Theo dữ liệu thu thập được, suốt thế kỷ 20 chúng chỉ chuyển dịch không đáng kể về hướng Canada. Tuy nhiên, cho đến nay, cực từ Bắc và chuyển động trục đang tiến về phía Anh.
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng hiện tượng băng tan ở Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới với 81% diện tích bề mặt bị băng bao phủ cách đây hai năm, cũng đang làm thay đổi sự phân bố trọng lượng của hành tinh./.
Theo Vietnamplus