Khoa học - Công nghệ
Nhiều học giả Nobel ký thư ngỏ ủng hộ cây trồng biến đổi gen
Ngày 30/6, khoảng 1/3 trong tổng số 108 học giả doạt giải Nobel còn sống đã ký vào bức thư ngỏ phản đối tổ chức môi trường quốc tế Greenpeace (Hòa bình xanh) vì đã triển khai các chiến dịch chống các loại cây trồng biến đổi gen (GMO).
Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) vừa giới thiệu loại gạo biến đổi gen mới "gạo vàng". (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong số các nhà khoa học ký thư ngỏ gửi Greenpeace, Liên hợp quốc và chính phủ các nước có 41 học giả từng đoạt các giải Nobel về y học, trong đó có James Watson, nhà sinh vật học và vật lý học phân tử người Mỹ từng đoạt giải Nobel năm 1962 cho công trình khám phá cấu trúc ADN.
Trong bức thư ngỏ, các nhà khoa học hàng đầu khẳng định Greenpeace đã "bóp méo" sự thật về các nguy cơ, lợi ích, cũng như các tác động của cây trồng biến đổi gen, đồng thời cho biết chưa từng có trường hợp nào được xác nhận về tác hại đối với sức khỏe của con người hay động vật từ việc tiêu thụ các loại sinh vật biến đổi gen.
Các học giả kêu gọi Greenpeace chấm dứt các nỗ lực phản đối cây trồng biến đổi gen, đồng thời khuyến khích các chính phủ "bật đèn xanh" cho các "hạt giống được cải tiến thông qua công nghệ sinh học."
Các học giả ký vào thư ngỏ còn khẳng định loại gạo biến đổi gen Golden Rice - một trong những sản phẩm mà Greenpeace kêu gọi tẩy chay, có thể cải thiện sức khỏe và đảm bảo an ninh lương thực tại các nước đang phát triển.
Các nhà sáng chế loại gạo này khẳng định mỗi khẩu phần gạo biến đổi gen có thể cung cấp khoảng 60% lượng vitamin A mà cơ thể cần mỗi ngày.
Tổ chức Greenpeace đã ngay lập tức có phản hồi trước thông tin nhiều học giả Nobel ký bức thư ngỏ.
Chuyên gia Wilhelmina Pelegrina, thuộc tổ chức Greenpeace Đông Nam Á, khẳng định các công ty sử dụng loại gạo Golden Rice để mở đường cho việc thế giới thông qua các loại cây trồng biến đổi gen hòng thu lợi nhuận.
Trước đó, Greenpeace khẳng định gạo Golden Rice "gây hại tới môi trường, không tốt cho sức khỏe và có thể đe dọa tới an ninh tài chính, dinh dưỡng và lương thực."
Tổ chức môi trường này còn nhấn mạnh các loại sinh vật biến đổi gen cần được loại bỏ bởi đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào đầy đủ về tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người.
Các loại hạt biến đổi gen được tạo ra trong phòng thí nghiệm có đặc điểm nổi bật như không bị ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ.
Việc sử dụng các sản phẩm biến đổi gen đặc biệt là ngô, sợi cotton, hạt cải dầu và củ cải đường đang là tâm điểm gây tranh cãi tại Mỹ, cũng như tại châu Âu bởi phần đông người dân không ủng hộ việc làm này.
Theo Vietnam+