Trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm như bún tươi, chả cá, đậu khuôn… nhưng người dân chưa có biện pháp xử lý nước thải hiệu quả trước khi thải ra môi trường. Trước thực trạng đó, UBND quận Sơn Trà đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) hỗ trợ công nghệ xử lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (thuộc Sở KHCN) đã xây dựng mô hình xử lý nước thải sản xuất bún quy mô hộ gia đình, đang triển khai bước đầu tại quận Sơn Trà.
Mô hình xử lý nước thải sản xuất bún tại hộ bà Huỳnh Thị Thu Ánh. |
Trên cơ sở mô hình này, nếu thực sự hiệu quả sẽ tiếp tục đề xuất thành phố mở rộng ứng dụng trong thời gian đến.
Ứng dụng công nghệ lọc sinh học
Qua kết quả khảo sát thực tế tại quận Sơn Trà, các cơ sở chuyên làm bún tươi trên địa bàn chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, diện tích sản xuất nhỏ hẹp với công suất sản xuất chỉ khoảng 150-300kg bún/ngày. Thời gian sản xuất từ 2-9 giờ sáng cùng ngày. Lượng nước thải sản xuất bún phát sinh khoảng 1,5 - 2,5m3/ngày đêm, bao gồm nước vo gạo, ủ bột và nước rửa bún. Đơn vị nghiên cứu đã xác định được nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sản xuất bún như sau: chất hữu cơ (BOD5, COD) từ 1.050-1.720mg/l, chất rắn lơ lửng (TSS) là 315mg/l, cùng với những điều kiện sản xuất thực tế tại các hộ dân để đưa ra công nghệ xử lý phù hợp.
Theo phân tích, công nghệ xử lý phù hợp là công nghệ lọc sinh học và do nồng độ chất hữu cơ trong nước thải khá lớn nên công nghệ xử lý kết hợp hai quá trình kỵ khí và hiếu khí. Công nghệ xử lý nước thải được đơn vị ứng dụng sẽ theo quy trình như sau: nước thải đầu tiên được chảy qua song chắn rác, có kích thước lớn được giữ lại. Tiếp đến, nước thải chảy vào bể lọc sinh học kỵ khí có chứa lớp vật liệu lọc dính bám cố định. Tải lượng các chất hữu cơ sau khi đi qua bể này sẽ giảm 60%, đồng thời làm ổn định nồng độ cho quá trình xử lý tiếp theo. Sau đó, nước thải sẽ được dẫn sang bể sinh học hiếu khí gián đoạn SBR và hiệu suất xử lý lúc này khoảng 80%. Kết thúc quá trình xử lý sinh học, máy thổi khí sẽ ngừng hoạt động để lắng trong nước, phần nước trong sẽ được thải ra ngoài. Hầu hết các công đoạn vận hành của hệ thống đều được điều khiển tự động nên người dân rất dễ sử dụng.
Giảm thiểu nồng độ ô nhiễm
Trong giai đoạn đầu ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sản xuất bún, đơn vị chủ trì xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 1 hộ dân, vận hành thử nghiệm và đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý. Với các giới hạn về điều kiện mặt bằng, trình độ vận hành của người dân sau khi nhận bàn giao và thực tế nước thải phát sinh từ các hộ dân đang được đấu nối ra cống thoát nước chung của khu vực, theo tính toán thì chất lượng nước thải sau xử lý có nồng độ các chất ô nhiễm đặc trưng tương đương. So với nồng độ các chất ô nhiễm đầu vào thì mức độ ô nhiễm sẽ giảm đáng kể, đặc biệt là các chất hữu cơ. Dự toán chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống tốn khoảng hơn 3 triệu đồng/năm.
Chị Huỳnh Thị Thu Ánh (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) phấn khởi nói: “Gia đình tôi làm bún đã nhiều năm, cũng không biết cách nào để xử lý nước thải. Nay được Sở KHCN hỗ trợ xử lý nước thải sản xuất, tôi rất mừng vì nếu xử lý tốt thì môi trường sống xung quanh khỏi bị ô nhiễm”.
Mô hình trên đang trong quá trình triển khai, việc ứng dụng công nghệ phải thỏa mãn điều kiện các thiết bị vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí, có khối tích công trình phù hợp với điều kiện mặt bằng hiện trạng của hộ sản xuất và đặc biệt bảo đảm yêu cầu nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải đầu ra tương đương với nước thải sinh hoạt đô thị. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ sẽ tiến hành đánh giá kỹ chất lượng nước thải sau xử lý và tiếp tục đề xuất thành phố cho ứng dụng rộng rãi mô hình, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ trong các khu dân cư.
Bài và ảnh: THANH THẢO