ĐNĐT – “Khoa học và công nghệ (KH&CN) phải bám sát đời sống thực tiễn, phải trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội”. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành KH&CN diễn ra sáng 4-1, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Tổng kết công tác KH&CN năm 2016 và phương hướng 2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2016, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
KH&CN góp phần cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngành KH&CN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung…
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã bắt đầu hình thành và đang phát triển nhanh. Thị trường KH&CN tiếp tục được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.
Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy cung-cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ giữa doanh nghiệp với viện, trường.
Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện. Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống…
Năm 2017, Bộ KH&CN xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao vai trò và đóng góp của KH&CN vào việc tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tại Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố tập trung phát triển tiềm lực KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, trong đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đa dạng hóa các hình thức triển khai nhiệm vụ KH&CN; triển khai Quỹ phát triển KH&CN; có chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp...
Phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ nhiều mặt của Bộ KH&CN.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH |
Để xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung, một trong những trung tâm khoa học - kỹ thuật và công nghệ khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước như yêu cầu của Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở KH&CN và các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực KH&CN của địa phương, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ KH&CN gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác để huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN của thành phố.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành phố về cơ chế ưu đãi đối với Khu công nghệ cao, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp, mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành tựu phát triển kinh tế-xã hội cũng như quốc phòng - an ninh thời gian qua luôn có đóng góp quan trọng của KH&CN.
Tuy nhiên, ngành KH&CN vẫn còn một số tồn tại như nghiên cứu nhiều lĩnh vực nhưng khả năng ứng dụng ít, hiệu quả sử dụng của nhiều đề tài còn thấp, nhiều mô hình nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều giải pháp để phát triển KH&CN trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào giải pháp tạo cơ chế thông thoáng trong phát huy nhân tài KH&CN, kiến tạo lại nền hành chính KH&CN, bảo đảm năng lực thực thi sở hữu trí tuệ, rà soát đánh giá lại đội ngũ KH&CN, hoạch định kế hoạch chiến lược rõ ràng hơn về nghiên cứu khoa học, trong đó ưu tiên theo hướng nghiên cứu ứng dụng.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, coi hội nhập là vấn đề quan trọng để phát triển; đầu tư nhiều hơn cho KH&CN.
Đối với các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện thể chế, chính sách KH&CN, nhanh chóng đổi mới chính sách KH&CN và phương thức quản lý theo hướng nhẹ nhàng, đơn giản hơn.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần đưa hoạt động KH&CN bám sát với đời sống thực tiễn và doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, rào cản cũng như phát huy những thành tựu đạt được để ngành KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội.
THANH TÌNH