Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tư, mở ra cơ hội việc làm lớn cho lao động địa phương. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT hạn chế về ngoại ngữ, chưa đáp ứng yêu cầu của DN, làm giảm khả năng cạnh tranh đáng kể.
Ngoại ngữ đang là điểm yếu của nguồn nhân lực công nghệ thông tin Đà Nẵng. (ảnh mang tính minh họa) |
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn Đà Nẵng hiện ước khoảng 20.000 người, chủ yếu đến từ các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); ĐH Duy Tân; ĐH FPT; Cao đẳng CNTT; Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn…
Thiếu ngoại ngữ là rào cản
Tuy nhiên, theo khảo sát vào đầu năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông, nhiều DN CNTT trên địa bàn thành phố đánh giá sinh viên CNTT khi tốt nghiệp vẫn còn thiếu và yếu về ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm. Cụ thể, 39/77 DN đánh giá trình độ ngoại ngữ của các cử nhân CNTT mới ra trường ở mức kém. Đặc biệt, dù Nhật và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu công nghệ phần mềm và nội dung số chiếm thị phần lớn nhất (72%) ở Đà Nẵng nhưng phiên dịch viên CNTT tiếng Nhật rất khan hiếm. Ông Trương Quốc Tuấn, quản lý dự án Công ty Global Cybersoft Đà Nẵng cho biết, hiện rất khó tìm nhân sự CNTT giỏi ngoại ngữ, bởi “người biết ngoại ngữ thì không có chuyên môn kỹ thuật và ngược lại”. Theo ông Tuấn, Global Cybersoft Đà Nẵng phải chọn cách tuyển dụng các phiên dịch viên rồi đào tạo kỹ thuật, đồng thời liên tục mở các khóa dạy ngoại ngữ cho các kỹ sư CNTT của công ty.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Navigos Search (chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhân sự cấp trung và cấp cao) vừa được công bố vào đầu tháng 4-2017, do cần kỹ sư CNTT giỏi tiếng Anh nên nhiều DN chấp nhận thay đổi quy trình tuyển dụng. Theo đó, họ chọn kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới kiểm tra chuyên môn, thay vì kiểm tra trình độ chuyên môn kỹ thuật đầu tiên.
Việc thiếu ngoại ngữ khiến nhân lực ngành CNTT Đà Nẵng đang gặp sự cạnh tranh lớn. Ông Đặng Bá Hải Triều, Giám đốc Công ty NTT DATA Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn NTT DATA- Nhật Bản) cho hay, nhiều khách hàng đang dần chuyển đơn hàng về Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar vì các kỹ sư CNTT của những nước này có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, thiếu ngoại ngữ cũng là rào cản trong việc tham mưu, thiết kế sản phẩm cùng khách hàng. “Nếu vậy, chúng ta sẽ dừng lại ở mức gia công sản phẩm, không đem lại nhiều giá trị gia tăng”, ông Triều nói.
Cần sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, mỗi năm có khoảng 200-250 sinh viên Trường Đại học Bách khoa tốt nghiệp ngành CNTT. Đối với chương trình truyền thống (phần lớn sinh viên theo học chương trình này), chỉ có khoảng 7-8 tín chỉ môn tiếng Anh cho cả 5 năm học. Để tốt nghiệp, sinh viên phải đạt tối thiểu 450/990 điểm TOEIC (bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế). PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nhận định: Mức điểm này vẫn khá thấp vì ít nhất phải đạt 600/990 điểm mới đủ để giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngay cả chương trình kỹ sư CNTT chất lượng cao Việt - Pháp tại Trường Đại học Bách khoa (với 30 tín chỉ môn tiếng Anh và chương trình học theo chuẩn châu Âu) thì chuẩn đầu ra TOEIC cũng chỉ 600/990. “Trong khi đó, cũng chương trình này tại Pháp, kỹ sư muốn tốt nghiệp phải có TOEIC tối thiểu đạt 780/990 điểm”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nói.
Về việc cải thiện tình trạng kỹ sư CNTT thiếu ngoại ngữ, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Cần một lộ trình lâu dài và phải có sự chung sức của các DN. Trước đây, chuẩn TOEIC ra trường là 400/990, nay tăng lên 450/990. Muốn tăng nữa phải có thời gian. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên lúc mới vào trường gần như không biết tiếng Anh dù các em đã được học ở bậc THCS và THPT. Như vậy, muốn cải thiện, phải làm đồng bộ ở tất cả các cấp học chứ không phải riêng ở trường đại học, cao đẳng. Để việc dạy ngoại ngữ có hiệu quả, cần đầu tư tài chính mà điều này cần sự hỗ trợ của DN”. Đồng tình với ý kiến này, Thạc sĩ Trương Tiến Vũ, Phó khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân nhận định: Việc đào tạo ở bậc đại học khó có thể trang bị toàn diện các kỹ năng nên cần tăng cường hợp tác giữa các trường và DN.
Trong thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo đưa việc giảng dạy tiếng Nhật vào một số trường đại học trên địa bàn thành phố, với sự hợp tác của các DN CNTT lớn. Cụ thể, Công ty AI Electronic Industry hỗ trợ đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm, Công ty TNHH Framgia tại Trường Đại học Bách khoa, Công ty S2 tại Trường ĐH Đông Á… Tháng 3 vừa qua, Công ty Công nghệ MGM cũng đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại khoa CNTT - Trường Đại học Bách khoa.
Bài và ảnh: KHANG NINH