Trước những dư luận đánh giá tiêu cực về các hệ quả mà các trò chơi trực tuyến mang lại, các nhà phát triển game đang tổ chức lại quan hệ khách hàng để có những giải pháp mới. Đó là gây dựng quan hệ cộng đồng game thủ để mỗi “con bệnh” game có được thêm sự lựa chọn tốt hơn.
Mới đây, Công ty VinaGame đã công bố sự ra mắt các Võ lâm Hội quán như là thành quả hợp tác chia sẻ lợi nhuận với các đại lý dịch vụ game online. Những Võ lâm Hội quán này được chọn từ các tụ điểm Internet tập trung nhiều game thủ, số lượng máy lớn... Những khách hàng VinaGame vào các điểm này sẽ nhận được nhiều ưu đãi như giảm tiền giờ, nhận tặng phẩm..., còn chủ quán thì thêm cơ hội cho thuê máy. Tuy nhiên, theo một cán bộ kinh doanh của DN chia sẻ, thì mục tiêu Võ lâm Hội quán không phải để cổ vũ game thủ tăng giờ chơi, mà trái lại, nhằm khuyến khích họ giao lưu, tạo cộng đồng trong sinh hoạt để khắc phục dần nỗi đam mê đối diện màn hình máy tính. Có thể dẫn chứng thêm các hoạt động tương hỗ của VinaGame về mặt này, như loạt phóng sự truyền hình về game Võ lâm hay các kỳ thi, tổ chức sự kiện offline cho game thủ...
Những thay đổi trong chính sách khách hàng của VinaGame cũng là suy nghĩ của các nhà cung cấp game khác. Ông Ngô Trọng Vỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Thế giới Ảo (CyberWorld) bày tỏ, các game do đơn vị này phát hành đều chú ý đến tính chất cộng đồng tập thể, cụ thể như RAN Online. Trong kế hoạch phát triển game của DN này kể từ tháng 3-2008, các chương trình đường phố được đề cao, theo đó các game thủ được vận động tham gia các hoạt động sinh hoạt giao lưu ở các điểm netgame. CyberWorld trù tính xây dựng các câu lạc bộ Thế giới Ảo ở nhiều tỉnh, thành theo hướng này với tôn chỉ “giả trong game, thật ngoài đời”, làm sao khiến các game thủ tiếp xúc với nhau ngoài game càng nhiều càng tốt. Hướng suy nghĩ này đang buộc DN ông nỗ lực phát triển lại game thể thao cộng đồng Vua bóng đá trong năm 2008 này; đồng thời sẽ tham gia giải thi đấu khu vực vào tháng 10 đến với game RAN Online, để các game thủ thêm cơ hội giao lưu với các game thủ các nước.
Các game thủ giờ đây đã quen với những hoạt động giao lưu ngoài đời. |
Thực tế sau hơn 5 năm rầm rộ phát triển của hoạt động game online trong nước, giờ đây cộng đồng game thủ đã có những cách nhìn nhận, hiểu biết rõ hơn về môi trường sống ảo trên mạng. Nhiều game thủ tâm sự trong bối cảnh các đô thị thiếu vắng sân chơi hiện nay, thì lựa chọn các tựa game vẫn là điều tích cực với họ. Bản thân họ cũng sẽ biết tự điều chỉnh lấy mình, một khi cuộc sống ảo trong game được khích lệ phát triển ra ngoài đời thường.
Rõ ràng 2 hướng suy nghĩ của game thủ và các nhà phát hành đang có cùng điểm đến. Nhiều game thủ còn mong đợi sự ra đời các câu lạc bộ game nghiêm túc, để việc chơi game không còn bị xem là trò vô bổ đáng lên án. Bởi thế, cần có một sự đánh giá đúng mức hơn từ các nhà quản lý, giáo dục và gia đình về vấn đề này. Vì như sự thật đang diễn ra, các nhà cung cấp game đã bắt đầu những thay đổi trong quan hệ với khách hàng: Hãy chơi game để tốt hơn !
Bài và ảnh: THỤY BẤT NHI