.
THẾ GIỚI GAME ONLINE:

Kỳ 1: Nguyên nhân của những “con nghiện”

.

Mùa hè đang đến với nhiều bạn trẻ không chỉ với cảm giác thú vị với áp lực học tập giảm bớt, mà còn từ cả một “rừng” game online được tranh đua phát hành. Bất chấp mọi phản ứng từ phụ huynh, trên mặt báo, những thanh - thiếu niên lại hớn hở kéo nhau vào các tiệm net “ngồi đồng” trước màn hình máy tính cùng game.

* Một cuộc sống riêng

Nóng. Chật. Ồn. Đó là 3 đặc điểm quen thuộc có thể gặp ở bất kỳ tiệm net có game online nào vào thời điểm này, không kể lúc ban trưa hay buổi tối. Dọc những lối đi hẹp, bất kỳ ai vào những khu vực này cũng sẽ thấy bức bối vì đủ thứ âm thanh chen lấn, nào tiếng súng rền vang, nhạc hip hop “dội bom” màng nhĩ, rồi tiếng quạt máy rền rền, quạt thùng CPU rit rít... Song, nhìn vào những gương mặt trẻ ở đây, sẽ chẳng ai thấy có cảm giác khó chịu đó. Chỉ có những nụ cười khoái chí, những cái nhíu mày đăm chiêu, những tiếng thở dài khi “lỡ đòn” và thi thoảng có tiếng hét đau đớn vì “bị hạ”. Những “cô cậu” ngồi ở đây đã chuyển hóa vào cuộc sống khác, hòa vào cảnh vật trên màn hình mà quên đi những gì xung quanh.

Mê mải cùng thế giới game.
“Tại sao chúng có thể mê mải đến như vậy chứ ?”, không ít phụ huynh học sinh đã phải thốt lên câu nói này với thái độ bực dọc. Song nếu họ có thể nghe thấy những lời phản ảnh ngược lại từ “bọn trẻ” trước thái độ đó, họ phải ngạc nhiên. Bởi tất cả những “con nghiện” game đều có chung một câu trả lời: thế giới game là nỗi đam mê đặc biệt mà chỉ có họ mới “đủ trình độ” hiểu!?

“Chơi cho vui”, là câu trả lời phổ thông nhất của giới trẻ khi ai đó đề cập đến game trực tuyến. Nhưng khi thấy những thái độ đau xót, tức giận của các game thủ khi phát hiện bị lấy cắp đồ đạc, bị “hack nick”, bị lừa “tiền”, người ta sẽ hiểu cuộc sống game không đơn giản. Một ngày không có được trò game đang chơi, những bạn trẻ ấy sẽ là “con nghiện” vật vã, nóng nảy, rối trí.

Lúc đó, giới trẻ mới thừa nhận game chính là cuộc sống riêng không ai có quyền dè bỉu và đụng đến. Nhân vật trong game, là thành quả luyện rèn khổ công, là tinh thần hun đúc và tâm tư tình cảm của họ, trút vào một thế giới ảo, nơi hận thù, thương yêu, được thua đều diễn ra cùng lúc. Có hiểu vậy người ta mới cắt nghĩa được vì sao có những bạn trẻ chơi game mấy ngày không ngủ, vẫn hơn hớn cười với người ngồi bên khi nhặt được một món đồ “cool” !

* Bốn lý do “nghiện”

Muốn phá vỡ thành trì riêng tư ấy, để những bạn trẻ thay đổi cách nhìn về thế giới cá nhân, thật sự không đơn giản. Chỉ có ai cùng hòa vào cuộc chơi, chung tay giết boss và chia sẻ từng đồng gold, ngân lượng, các game thủ mới bày tỏ độ tin cậy để xác nhận ít nhất có 4 lý do khiến họ nghiện game.

Thứ nhất, giới trẻ cần được giải trí. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là ở các đô thị, thành phố, khi không gian chơi đùa, tự nhiên ngày càng thu hẹp, đa số các bạn trẻ chỉ còn cách tự gói gọn các nhu cầu vui chơi của mình sao cho tiện lợi nhất. Game trực tuyến và các công cụ chat trên mạng đã thu hút chúng bởi đó là những tiện ích CNTT hấp dẫn, linh hoạt và đa dạng. Nhiều bậc phụ huynh cũng thừa nhận, dù sao 1 đứa trẻ ngồi trước màn hình vẫn an toàn hơn là lang thang trên đường phố, chơi những trò chơi nguy hiểm.

Thứ hai, khi làm quen với thế giới trong game trực tuyến, giới trẻ đồng thời tìm được một nơi gởi gắm những ước mơ thầm kín, có cơ hội tự chứng tỏ mình và những khát khao của mình. Đây là nguyên nhân quan trọng mà nhiều bậc phụ huynh đã bỏ qua khi chỉ nhìn các trò game bằng cặp mắt “giáo dục” chuẩn mực. Nhiều game thủ trẻ thổ lộ, những cốt truyện game phát hành trực tuyến đều chủ yếu lấy từ những câu chuyện thần thoại, những huyền sử xa xôi của nhiều dân tộc, quốc gia. Vậy việc tham gia vào đó có khác gì bọn trẻ được làm quen với những gì trước đây, bố mẹ chúng chỉ được nghe kể qua lời của bà, qua sách vở rồi lặng thầm mơ ước?

Bước vào tiệm game là những game thủ đã thực sự bước vào một cuộc sống khác...
Trong thế giới đó, bọn trẻ còn có cơ hội thể hiện được “đẳng cấp” của mình, thông qua những hình ảnh chiến binh, siêu nhân... Làm người tốt hay kẻ xấu, là kẻ yếu hèn hay mạnh mẽ, tất cả đều là sự lựa chọn của chúng và đa số các game thủ đều thừa nhận “trở thành người tốt khó lắm”. Khác với các game chơi đơn, hệ thống game online là sự kết nối giữa nhiều người cùng chơi, điều đó có nghĩa là hành vi của một cá nhân trong đó luôn được lan truyền rộng rãi nhất. Do đó, không ít bạn trẻ phải rất thận trọng để không bị mang tiếng là kẻ ăn cắp, khiếp nhược, không giữ chữ tín...

Khái niệm “kẻ mạnh”, người hùng ở đây không phải bao hàm ý nghĩa “đánh đâu thắng đó”, mà còn là kẻ biết xử sự đàng hoàng, khoan dung, giúp đỡ người yếu, bênh vực kẻ thế cô và chia sẻ với người hoạn nạn khó khăn. Nhiều bạn trẻ bị cấm chơi game ấm ức: “Con muốn trở thành một người tốt của bạn bè trong đó, vậy có gì sai mà bố mẹ cấm cản ?”.

Thứ ba, với yếu tố kết nối rộng rãi, trực tuyến trên hành lang Internet, game online còn là 1 địa chỉ để nhiều bạn trẻ chọn làm nơi giao kết, làm quen và chia sẻ với mọi người. Trong game luôn có những khái niệm bang hội, bộ tộc... mà các game thủ phải tham gia vào như 1 tổ chức xã hội nghiêm túc. Cá nhân khi vào các tổ chức đó phải tuân thủ những nội quy, quy định rõ ràng, ai vi phạm sẽ bị khai trừ. Hơn thế, các chủ bang hội, dù có thể chỉ là 1 học sinh lớp 11, cũng tỏ ra rất oai nghiêm, kỷ luật, thường xuyên vận động, tổ chức các thành viên gặp gỡ, giao lưu trao đổi với nhau, ngoài đời và trên các diễn đàn game. Việc chơi game của nhiều bạn trẻ vì thế gần gũi với việc tham gia vào các nhóm sinh hoạt cộng đồng không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ văn hóa. Một chủ DN, một bác sĩ hay một cậu học sinh lớp 9, đều bình đẳng trong thế giới ảo ấy, ai cũng có thể học hỏi người khác mà không tự ái và bày vẽ cho kẻ khác mà chẳng ngượng ngùng.

Lý do cuối cùng ở nhiều bạn trẻ, là việc chơi game hàm nghĩa phản đối lại những gì người lớn áp đặt lên vai chúng. Đa số giới trẻ thích game ở tuổi từ 14 – 22 tuổi, chính là giai đoạn có nhiều diễn biến tâm lý phức tạp nhất, nhiều đòi hỏi cá nhân bộc lộ rõ nét nhất. Một khi tâm lý đó bị đè nén, giới trẻ sẽ lựa chọn phản ứng tiêu cực để chống lại. Điều này gây nên cảnh bố mẹ càng cấm chơi game, chúng càng lao vào game, càng khuyên răn tuân thủ giờ giấc, chúng càng phá hoại sức lực...

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.