Rất nhiều bậc phụ huynh đã đặt nhiều câu hỏi với chúng tôi về giải pháp làm sao cải biến tình trạng chơi game mê mải đến quên ăn ngủ, học tập của con cái họ. Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời không phải từ các nhà tư vấn tâm lý hay giáo dục, mà bằng việc chơi game cùng con cái họ, và kết quả thật sự có thể làm nhiều người ngạc nhiên.
* Chúng ta đang thiếu công bằng !
“Ba con là người không công bằng”, một game thủ đã rất ấm ức bày tỏ với chúng tôi như vậy, khi chúng tôi đến tìm hiểu lý do “nghiện game” qua lời nhờ cậy của ông bố. Cậu bé chất vấn, tại sao ông bố có thể ngồi ở quán nhậu đến 10 giờ đêm và về nhà say mềm, “người hôi rình mùi bia”, thì lại không bị xem là “nghiện nhậu”. Trong khi đó cậu chỉ cần “chơi rán” thêm vài chục phút trong game là bị ăn đòn vì tội “nghiện game”. “Cháu nghĩ chơi game làm gì có tội. Người ta còn cung cấp dịch vụ game đàng hoàng khắp cả thế giới. Chỉ là tụi cháu không có gì khác để chơi, mà game thì hay, nên tụi cháu chơi nhiều hơn mà thôi”.
Lý luận đó của các game thủ, những đối tượng mà nhiều nhà giáo dục cho là các “con nghiện game” cho thấy, quả thật đang có một thái độ cư xử thiếu công bằng từ “những người lớn có tài” (cách dùng từ của một game thủ lớp 10 trường PTTH Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Nhiều phụ huynh rất bận rộn với công việc của mình đã thường xuyên áp đặt các yêu cầu học tập liên tục cho con cái, mà không hề quan tâm đúng mức những “khoảng trống giải trí” của chúng. Có người sẵn sàng “nhốt” con trong nhà suốt ngày để tránh không cho con ra đường, khỏi bị nhiễm game online, mà không nghĩ rằng sự cô lập đó sẽ mang lại những thương tổn thế nào trong lòng con trẻ.
Thế giới game của giới trẻ đang cần được các bậc phụ huynh quan tâm và chia sẻ chứ không phải chỉ lên án và bài xích. |
Một game thủ trẻ tuổi khác còn kể cho chúng tôi nghe chuyện “đánh lừa” một nhà báo. “Chú ấy đến tiệm net và bảo tụi cháu kể về game để chú ấy viết bài. Nhưng chú ấy chẳng biết gì về game cả. Tạo nhân vật cũng không, tụi cháu nói PK hay VS chú ấy cũng không biết. Vì thế, tụi cháu đã kể láo nhiều chuyện cho chú ấy nghe, như cây kiếm cháu xài có thể bán 10 triệu, trong khi tụi cháu ai cũng biết nó không đáng quá 100 ngàn nếu mua bằng tiền mặt. Vậy mà chú ấy cũng tin”. Trong suy nghĩ của game thủ trẻ này, thông tin mà nhà báo kia sẽ đưa lên chỉ hoàn toàn là điều nói dối mà người lớn nghe với nhau.
Câu hỏi đáng suy nghĩ ở đây, là có bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu người lớn thường xuyên lên tiếng về mối nguy hại game đã thực sự hiểu, biết và cảm nhận game đúng mức chưa, hay chỉ hành xử như nhà báo nọ? Một khi “những người lớn có tài” chỉ cần đi qua các tiệm net, ghi nhận hình ảnh này nọ dưới góc nhìn phê phán, thì thực tế phản ảnh đó là công bằng hay thiên lệch?
* Hãy ngồi xuống để hiểu !
Qua phản ảnh của nhiều game thủ trẻ, ứng xử của “những người lớn có tài” chỉ có 2 kiểu. Một là phủ nhận hoàn toàn chuyện chơi game, xem là tệ nạn và cấm tuyệt con cái dây vào. Hai là phó mặc, xem game là trò giải trí tùy tiện và việc con cái chơi sẽ giúp họ đỡ tốn thời gian chăm sóc. Trong khi có những ông bố suốt ngày cầm roi đi tìm con ở tiệm net để phạt tội “chơi game”, lại có những bà mẹ sẵn sàng chở con đến “gởi” ở tiệm game suốt buổi chiều tối để “rảnh tay” cùng bạn bè đi mua sắm. Cả 2 thái độ đó, đều gây ra phản ứng tiêu cực từ giới trẻ và nhiều game thủ thừa nhận, chính thế giới game đã giúp chúng cân bằng lại phần nào tâm lý khi bị đối xử như vậy.
Vấn đề giao lưu cộng đồng cho các game thủ đang được các nhà phát hành game chú ý để cân đối lại tình trạng nghiện game. |
Con cái họ sẽ biết cách tránh xa các game bạo lực, bớt bị lệ thuộc quá nhiều vào cuộc sống ảo khi có bố mẹ bên cạnh như vậy. Hơn nữa, trong game, những hình tượng anh hùng, yếu tố tập thể, cùng bạn bè chia sẻ hoạn nạn khó khăn, xả thân cứu người... sẽ là những bài học luân lý quan trọng mà con cái họ được học và trực tiếp tham gia. Nếu bố mẹ nào khơi gợi được ý nghĩa quan trọng đó, game online biết đâu sẽ lại là lựa chọn tiên quyết cho con cái họ, trong quá trình định hình tính cách, nhận thức của chúng giữa bối cảnh xã hội có quá nhiều vấn đề phức tạp hiện nay.
Muốn như vậy, quan trọng là mỗi người lớn hãy chấp nhận cùng giới trẻ đối thoại lại một cách nghiêm túc trong gia đình của mình.
Thụy Bất Nhi
Tin liên quan:
>> Kỳ 1: Nguyên nhân của những “con nghiện”