.
THẾ GIỚI GAME ONLINE:

Kỳ 3: Chuyện của một người trong cuộc

.

Một sự thật là phần lớn những người lãnh đạo ở các đơn vị phát hành, kinh doanh dịch vụ game online hiện nay đều có một phần tiểu sử liên quan đến “nghiện game”. Do đó, chuyện của họ luôn có ý nghĩa thực tế với những bạn trẻ đang lo “cày cuốc”.

Kết thúc chuyên đề này, chúng tôi sẽ thuật lại cuộc chuyện trò mới đây với một người như vậy: ông Ngô Trọng Vỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thế giới Ảo (CyberWorld – thành phố Hồ Chí Minh).

PV: Là một trong những người đang quan tâm đến hoạt động phát triển game online tại Việt Nam, ông có ý kiến gì về hiện tượng nghiện game quá mức xảy ra với nhiều bạn trẻ hiện nay ?

Ông Ngô Trọng Vỹ.
Ông Ngô Trọng Vỹ: Điều tôi tiết lộ với các bạn, là đừng ngạc nhiên khi thấy có nhiều bạn trẻ bị coi là “nghiện” game. Tôi cũng đã từng như họ, 1 kẻ sống trong thế giới ảo của game đến mức không còn cần biết mình là ai. Đó là câu chuyện thời trẻ, hồi tôi vừa đậu vào Đại học Y tại California (Mỹ) theo định hướng của ba tôi. Lúc đó, không ai nghĩ một sinh viên như tôi, một người gốc Huế lại có thể sa đà vào một thế giới nằm ngoài cuộc đời.

Nhưng tôi thú thật đó là sự thật. Tôi và một số bạn học đã bị hấp dẫn ngay khi đến các phòng Computer Lab nối mạng ở trường Đại học, nơi chúng tôi có thể tìm ra nhiều thông tin cho học tập, và nhiều thông tin hơn để giải trí. Nhà trường lúc đó còn tạo điều kiện cho chúng tôi làm quen với tin học bằng những phiếu ưu đãi tiền giờ thuê máy phát mỗi tháng.

Tôi đã chơi game vào lúc đó, những cái game mà bây giờ nhiều bạn trẻ sẽ chê vì chúng thuần túy là lập trình, màn hình trắng đen, các con số nhảy múa và hình ảnh thô sơ. Nhưng cũng như các bạn lúc này, tôi đã bị mê hoặc, suốt ngày chơi, xin cả thẻ miễn phí của bạn để chơi. Kết quả tôi đã bỏ học, rời khỏi trường Y, phá tan giấc mơ của gia đình về cậu con trai nối nghiệp cha, để thi vào môn lập trình CNTT.

PV: Làm sao ông có thể thay đổi hoàn cảnh đó ?

Ông Ngô Trọng Vỹ: Tôi đã gặp 1 người. Đó là đối thủ game của tôi, kẻ luôn đánh bại tôi và người khác trong các cuộc chiến, bất chấp mọi mưu mẹo và chiến lược. Để ý mãi, tôi mới phát hiện ông ta ngồi gần tôi trong phòng máy tính, là một người đàn ông mù, đi lại nhờ 1 con chó dẫn đường. Một người mù chơi game trên máy tính, và đánh thắng tất cả. Ai tin vào điều đó ? Tôi rất sốc khi biết như vậy.

Tôi đã làm quen với ông ấy và chúng tôi là bạn. Ông ấy đã cho tôi một cách hiểu khác về thế giới CNTT, cuộc sống ảo của game và giá trị của mình. Đó là nơi con người phải biến những đam mê cá nhân thành động lực chung của cả cộng đồng, và mỗi phấn đấu của cá nhân là đòn bẩy để nâng hình ảnh tập thể lên một tầm vóc cao hơn. Ông ấy là 1 lập trình viên máy tính, người tham gia viết nên các trò game tôi chơi. Một tai nạn đã cướp đi đôi mắt, công việc của ông ấy, nhưng không cướp đi niềm đam mê với game. Bằng kỹ năng lắng nghe âm thanh và trí nhớ về chương trình game, ông ấy đã luôn thắng ở các cuộc chơi. Nghĩa là ông ấy đã chơi game bằng cả tâm hồn cuộc sống, và vì thế vượt qua được những ám ảnh bất hạnh của cuộc đời.

Câu chuyện của người đó đã làm tôi tỉnh ngộ, và tôi quay trở lại học hành, trở thành một người tập trung kinh doanh và phát triển lĩnh vực CNTT tôi yêu thích. 20 năm qua, tôi đã có rất nhiều bài học quý về cuộc sống, nhưng bài học từ con người đó luôn giá trị nhất. Ông ấy đã nói với tôi, “hãy sống thật trong game, đừng sống ảo giữa đời”.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về hoạt động phát hành dịch vụ game online ở DN ông mở ra ? 

Một trong số chương trình gây hoạt náo trong cộng đồng game thủ của Công ty CyberWorld tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Trọng Vỹ: 4 năm trước, tôi đã từ Singapore về Việt Nam để đầu tư thành lập CyberWorld, 1 DN phát hành game online cạnh các dịch vụ truyền thông và dữ liệu mạng khác. Đơn giản vì đến giờ, tôi vẫn là “con nghiện” game. Tôi vẫn chơi game và tự hào với các sản phẩm game đưa ra cho bạn trẻ. Nhưng tôi khuyên các bạn hãy hiểu đúng về game, về chính cuộc sống trong game và ngoài đời. Tôi rất hiểu và chia sẻ với các bạn về những niềm đam mê riêng mà thế giới game hiện nay, dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu ngày càng phát triển của thế giới số có thể mang lại. Nhưng các bạn cần điều chỉnh những hành vi đam mê đó hợp lý, hãy tránh khỏi vết xe mà tôi đã từng giẫm qua.

Điều quan trọng là ngược lại với các bạn trẻ, những nhà giáo dục, các bậc phụ huynh đừng nhìn game với con mắt hà khắc. Trong thế giới hôm nay, khi một thanh niên ở Mỹ có thể chat trực tiếp với 1 thanh niên ở Việt Nam, thì đừng ai nghĩ có thể ngăn cản dịch vụ mạng phát triển, trong đó có game online. Ngược lại, nếu xem đây là môi trường giao tiếp, định hình tính cách tuổi trẻ như nhiều môi trường văn hóa khác, thì game sẽ là một công cụ hiệu quả. Sức hút của thế giới giao lưu trực tuyến này rất lớn, đã vượt qua khỏi phạm vi giải trí đơn thuần. Do đó, lời nói thành thật của tôi là mọi người hãy cùng nhìn lại, đối thoại để tìm biện pháp điều chỉnh, định hướng cho nó phát triển lành mạnh thay vì chỉ ngồi lên án và quay lưng.

Trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội với các bạn trẻ, là hãy tạo ra môi trường nhận thức giá trị ảo và thật. Tôi phản đối những game bạo lực, game cờ bạc, game có tính chất gian lận, vì chúng không tốt cho giới trẻ. Thay vào đó, nhà phát hành hãy chọn những game có tính cộng đồng cao, khơi gợi sự phát triển trí tuệ, tinh thần cao thượng, thái độ hòa nhập và thích nghi giới trẻ. Hoạt động dịch vụ của tôi ở Việt Nam đến nay, dù chưa thuận lợi, nhưng luôn tuân thủ 1 mục tiêu. Đó là lôi cuốn khách hàng của tôi ra khỏi màn hình máy tính để giao lưu gặp gỡ nhau, giúp nhau định hình tính cách, nhận thức về giá trị cuộc sống. Một cộng đồng game thủ như vậy, sẽ là một môi trường tốt để giới trẻ khẳng định, cảm nhận được chính mình và có thái độ đúng đắn hơn về trách nhiệm với mọi người xung quanh.

PV: Xin cảm ơn ông !

Thụy Bất Nhi (thực hiện)

Tin liên quan:
Kỳ 2: Hãy đối thoại công bằng
Kỳ 1: Nguyên nhân của những “con nghiện”

;
.
.
.
.
.