(ĐNĐT) - Những ngày cận Tết, người người đều tất bật. Chiếc điện thoại di động vì thế càng phát huy hiệu suất khi người ta không đủ thời gian chạy đến tìm gặp nhau dù còn có quá nhiều lời nhắn gửi, thông điệp ký thác cho nhau. Chính vì vậy mà không ít người trở nên dị ứng và bực tức khi mở máy đọc tin nhắn vừa nhận lại hóa ra là tin nhắn “rác”.
Bất kỳ nơi đâu, người tiêu dùng cũng có thể bị quấy rầy vì tin nhắn rác. (Hình minh họa) |
Những ngày này, ai có thể thong thả nghe theo những lời khuyên trên, cho dù đó là lời nhắn của chính bạn bè thân quen đi chăng nữa ? Huống gì, tất cả những tin nhắn này, đều lưu hành vô thưởng vô phạt trên các mạng di động, từ nhiều thuê bao, tổng đài… khác nhau, nếu gọi lại cũng không dễ gì liên lạc được hay truy ra nguồn gốc. Phần lớn tin nhắn đều liên quan đến dịch vụ gia tăng nào đó, có khi rất vô bổ, phản cảm theo kiểu “thầy bói”, “thông thái rởm” phán đoán lương duyên, gia đạo, sức khỏe… cho mọi người. Một số thậm chí lập lờ thông tin gửi tin nhắn để trúng thưởng, khuyến mãi, cầu may, khơi gợi trí tò mò và cả lòng tham cho người tiếp nhận.
Điều đáng nói là khi đã lỡ nhận được 1 tin nhắn kiểu này, các thuê bao xem như lọt vào “danh sách đen”, tiếp tục nhận dài dài các tin nhắn tương tự mà không có cách nào ngăn chặn. Có người thử kiểm tra, đánh dấu lại để tìm đầu mối các thuê bao gửi tin nhắn, mới phát hiện cùng nội dung như nhau, có thể có đến hàng chục đầu số tung ra.
Theo các đại lý điện thoại, những tin nhắn loại này phải liệt vào dạng “rác”, “spam”, cần quản lý nghiêm ngặt. Một đại lý điện thoại ở đường Hoàng Diệu kể vừa bị khách hàng đến ném trả cái SIM khuyến mãi mạng Mobiphone, vì vị khách đó ngày nào cũng nhận đủ thứ tin nhắn tư vấn tình yêu, gia đình, giới tính… qua số điện thoại mới kích hoạt. Một nhà quản lý một mạng di động tại Đà Nẵng cũng bực bội cho biết điện thoại của ông đang lưu hàng chục tin nhắn “trời ơi đất hỡi”.
Ông này giải thích, việc đăng ký các tổng đài thuê bao, mở dịch vụ tin nhắn qua các nhà cung cấp dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới “cộng tác” phát tán tin nhắn quảng cáo hiện nay rất dễ dàng. Kể cả không cần đăng ký, nhiều thuê bao điện thoại cũng có thể tự ý phát tán các tin nhắn quảng cáo dịch vụ của mình mà hiện chưa có nhà cung cấp nào ngăn chặn nổi.
Thậm chí nhiều trường hợp, các thuê bao di động còn bị “khủng bố” tin nhắn “spam” xuất phát từ nhiều thuê bao do lỗi kỹ thuật của nhà cung cấp mạng. Có người bỗng nhận được từ máy bạn bè hàng chục tin nhắn cùng nội dung, khi gọi điện hỏi mới hay chủ nhân số thuê bao không biết việc đó. Lần dò qua nhà cung cấp dịch vụ di động, câu trả lời nhận được sẽ luôn là do lỗi mạng và xem như “huề cả làng”, chỉ có các chủ thuê bao “mất tiền oan”.
Với một thực trạng như thế, những ngày giáp Tết này, tần suất “rước phải bực mình” của hầu hết thuê bao điện thoại di động lại càng tăng, khi chốc chốc nghe chuông báo có tin nhắn để được… mời xem vận mạng, bốc số cầu may… Có vẻ các nhà cung cấp dịch vụ qua tin nhắn, tổng đài thông tin GPRS, hộp thư tư vấn, thư viện online… không hề đếm xỉa gì đến cảm giác của người tiêu dùng, mà vẫn tiếp tục phát huy công suất quảng cáo, tiếp thị. Bởi vậy, thật sự đã đến lúc các nhà quản lý mạng viễn thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần nghiêm túc rà soát lại phạm vi quản lý, để kịp có biện pháp kỹ thuật và yêu cầu cụ thể đến các đầu mối tin nhắn “rác”, hạn chế làm phiền đến người tiêu dùng.
Uyên Nghi