.
Kinh doanh trực tuyến: Dễ như chơi ?

Kỳ 2: Cần có những khung pháp lý

.

(ĐNĐT) - Không phải hễ mua là được giá, hễ bán là kiếm lời, nhiều cư dân kinh doanh trực tuyến thừa nhận luôn phải chấp nhận “hên xui”. Thậm chí, không ít người còn bị sa “đòn lừa” bởi những kẻ xấu chen chân vào thế giới của họ. Tất cả biến thành những bài học kinh nghiệm mà bất kỳ ai nhập cuộc trên mạng cũng phải biết lắng nghe để phòng tránh. 

        >>
Kỳ 1: Rộng đường kinh doanh mạng

Bất trắc chuyện gian ngoan

Việc kinh doanh trực tuyến của các "cư dân mạng" còn nhiều bất trắc.
Hầu hết những ai đã từng kinh qua cảnh đấu giá mua hàng hay đặt giá qua mạng đều sẽ mang chung tâm sự thon thót nỗi lo trước khi món hàng muốn mua về đến tay mình. Càng là người mua đi bán lại kiếm lời, nỗi lo ấy càng thường trực, trước hết vì chắc gì món hàng nhìn thấy trên website sẽ bảo đảm chất lượng như người bán rao lên.

Anh Viễn, chủ quán cà phê 51 Lê Lợi, một trong số “thần dân” kinh doanh mạng tại Đà Nẵng kể, không ít lô hàng được anh bao về từ thành phố Hồ Chí Minh với giá rẻ, tưởng có thể kiếm lãi khi bán lại cho người khác. Nào ngờ khi mở hàng ra, anh tá hỏa vì chất lượng chỉ xấp xỉ 50% các thông tin thỏa thuận ban đầu. Thế là anh lại tốn công điện thoại, truy tìm lại kẻ bán hàng, gởi lại hàng để bắt đền, tốn kém thời gian và cả tiền bạc, cuối cùng “tay trắng vẫn hoàn tay trắng”.

Có thể nói, những cảnh dối người gạt hàng như vậy đang diễn ra nhan nhản ở nhiều diễn đàn kinh doanh. Nguyên nhân các vụ việc trên có thể do khách quan hoặc chủ quan. Nhiều khi một món thiết bị, hàng hóa, người bán trước khi gởi đi còn hoạt động tốt, nhưng qua thời gian lưu chuyển, đến tay người mua lại hỏng mất. Nhiều khi người bán cố tình đưa thông tin giả, “quảng cáo” tốt cho sản phẩm của mình, hoặc rao sản phẩm này lại giao sản phẩm khác, đều dẫn đến cảnh tranh chấp cãi cọ trong giới kinh doanh mạng.

Ở góc độ khác, cũng không phải chỉ có người mua mới dễ bị thiệt hại. Không ít người chuyên bán hàng trực tuyến cũng thừa nhận, việc bán hàng có khi phải chấp nhận mất từ vài mươi đến mấy trăm USD là bình thường. Nhất là các trường hợp đấu giá, bán sale off, có những món sản phẩm trị giá vài trăm USD rốt cuộc khi bán xong chỉ thu lại được 40 – 60% giá vốn. Đã lỡ đặt cược vào cuộc chơi, gần như người nào cũng đành phải chấp nhận.

Anh Viễn nhìn nhận, nói đến cùng, buôn bán kinh doanh trên mạng cũng không khác gì trao đổi hàng trực tiếp với nhau, muốn an toàn chắc chắn chỉ có cách thông qua người quen, mua của người quen.

Cần có những khung pháp lý

Việc mua bán, kinh doanh của những "cư dân mạng" lâu nay không ai có thể kiểm soát.
Điều đáng nói ở các “cư dân” mua bán trực tuyến trên mạng, là dù rất muốn có can thiệp của pháp luật trong các tình huống tranh kiện, song họ đều dè dặt khi nói đến chuyện quản lý. Đơn giản chỉ vì hiện tại hoạt động kinh doanh của họ đều chưa bị kiểm soát.

Không hóa đơn chứng từ, là lý do đầu tiên khiến yêu cầu quản lý kinh doanh trực tuyến trở nên khó khăn. Không ít thành viên của các diễn đàn mua bán thừa nhận, mỗi tháng họ có thể kiếm vài triệu đồng qua trao đổi hàng hóa trên mạng, song lâu nay chưa hề bị đề cập đến việc nộp thuế hay bị sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng. Đặc thù kinh doanh mở trên mạng cho phép họ toàn quyền “mở cửa hàng” ở bất cứ website nào và sau đó giao dịch bằng cách đưa tiền mặt, gởi tiền qua máy ATM. Việc giám sát, theo dõi các khoản lợi nhuận vì thế rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Vũ Duy Trung, vốn là một thành viên trực tuyến ở giai đoạn khởi thủy các chợ trên mạng cho biết, thời điểm đó giao dịch của các thành viên chủ yếu bằng gởi tiền nhờ bạn bè quen chuyển giúp khi cần mua bán. Còn bây giờ, khả năng trao đổi càng linh hoạt vì ai cũng có thể mở thẻ ATM. Song, điểm chung bất biến là quá trình kinh doanh ấy, ai mua gì và ai bán giá bao nhiêu, thì chỉ có người mua người bán biết, các can thiệp bên ngoài hoàn toàn không có.

Kể cả các quản lý diễn đàn, website, cũng chỉ có thể nhắc nhở thành viên về điều kiện tham gia, nghiêm túc trung thực trong mua bán, chứ không thể can thiệp vào những hoạt động phía sau. Đa số các website kinh doanh này, kể cả tổ chức chuyên nghiệp, cũng đang ở mức độ miễn phí giao dịch cho các thành viên tham gia, hay hỗ trợ người mua về vận chuyển, giao hàng…

Một quản trị viên quản lý một diễn đàn mua bán lớn còn khẳng định, nếu các cơ quan chức năng muốn triển khai các biện pháp giám sát việc bán hàng qua mạng, và nhất là đòi hỏi đăng ký rõ ràng, tham gia nộp thuế, chắc chắn các website chấp hành chỉ có nước… đóng cửa.

Do đó, vô hình chung từ lâu nay, dù biết rằng hoạt động kinh doanh đang diễn ra rất sôi nổi trên môi trường mạng, các yêu cầu, giải pháp tính thuế, kê khai lợi nhuận với các thành viên các chợ “online” vẫn chưa ai đặt ra được. Các cơ quan chức năng không có đủ khả năng và giải pháp kỹ thuật đã đành, chính những nhà cung cấp dịch vụ Internet, tên miền, hay quản lý tổ chức các website cũng không đưa ra được đòi hỏi khung quản lý nào với họ.

Hơn nữa, theo các thành viên mạng, hàng hóa mua bán trực tuyến rất đa dạng, không hẳn xuất phát từ một DN kinh doanh hay đầu mối nhập khẩu nào. Một lượng rất lớn giao dịch là do chính các thành viên bán lại sản phẩm, hàng hóa đã mua và qua sử dụng của mình. Một phần khác, là các loại hàng hóa trôi nổi, được xách tay về từ nước ngoài, được lọc ra từ các lô hàng thanh lý, giảm giá… trên thị trường. Cho nên, dù có muốn kiểm soát, nhà quản lý cũng sẽ bất lực bởi khó áp một khung giá hợp lý.

Chính với sự đa dạng, và tự do về hoạt động của thị trường mạng như vậy, mà giới kinh doanh trực tuyến đang ngày càng bùng phát, trở thành lĩnh vực thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ có chút ít hiểu biết, yêu thích công nghệ hay web. Thực trạng mua bán đó rất cần nhận được sự chú ý quan tâm, các giải pháp kết hợp để quản lý, giám sát, hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Theo thiển ý của chúng tôi, nếu các ngành chức năng thông qua sự hỗ trợ từ các chủ thể quản lý website, diễn đàn, từng bước lồng ghép thông tin, nhận thức về yêu cầu, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về thương mại vào giới kinh doanh trên mạng, may ra mới có thể tạo nên sự thay đổi.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.