Thật khó tin, nhưng đã được 30 năm kể từ khi Microsoft lần đầu tiên giới thiệu hệ điều hành Windows tới toàn thế giới. Từ đó tới nay, hệ điều hành máy tính nổi tiếng nhất hành tinh này đã thay đổi rất nhiều.
Nhờ thiết bị phần cứng tốt hơn, sự phát triển của Internet và áp lực sự cạnh tranh từ đối thủ Apple, Microsoft đã duy trì được vị trí thống lĩnh bằng cách tung ra các bản cập nhật đáp ứng nhu cầu của hàng trăm triệu người trên thế giới.
Windows 1.0 được phát hành vào tháng 11-1985, 2 năm sau khi Bill Gates giới thiệu hệ điều hành Windows ra công chúng lần đầu tiên. Về cơ bản, Windows 1.0 có giao diện người dùng dạng đồ họa trên nền MS-DOS. Windows 1.0 nhanh chóng được sử dụng bởi những công ty sản xuất máy tính MS-DOS.
Windows 2.0 ra mắt tháng 12-1987 cho phép người dùng mở nhiều cửa sổ chồng chéo lên nhau, các phím tắt bàn phím tiện dụng và các khái niệm phóng to và thu nhỏ cửa sổ.
Windows 2.1 ra mắt tháng 5-1988, có hai phiên bản được thiết kế cho từng mẫu vi xử lý cụ thể của Intel.
Tháng 5-1990, Microsoft trình làng Windows 3.0. Đây là phiên bản Windows đầu tiên thực sự thành công. Windows 3.0 đi kèm những cải tiến về kỹ thuật như quản lý bộ nhớ tốt hơn và khả năng chạy các chương trình MS-DOS trong cửa sổ riêng.
Windows 3.1 ra mắt tháng 3-1992. Ở phiên bản này, hệ điều hành Windows ổn định hơn rất nhiều, hỗ trợ tốt hơn các kiểu phông chữ và nội dung đa phương tiện. Nó cũng là phiên bản Windows đầu tiên được bán trên đĩa CD-ROM.
Trình làng vào tháng 8-1995, Windows 95 giới thiệu nhiều khái niệm vẫn gắn liền với hệ điều hành Windows ngày nay như nút Start và thanh tác vụ (Taskbar). Windows 95 cực kỳ thành công và nhanh chóng trở thành hệ điều hành desktop nổi tiếng nhất.
Trong lễ công bố lớn, người dẫn chương trình nổi tiếng Jay Leno đã mở màn sự kiện Windows 95 và đích thân giới thiệu Bill Gates.
Windows 98 ra mắt vào tháng 5-1998. Vào thời điểm đó, mạng Internet cuối cùng cũng bắt đầu đi vào thời kỳ phát triển. Đó là lý do tại sao Windows 98 đi kèm với rất nhiều cải tiến về phần mềm mạng và hiệu suất.
Khi trình làng Windows 2000 hồi tháng 2-2000, Microsoft đã quảng cáo đây là một hệ điều hành desktop an toàn và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Windows 2000 cuối cùng lại là một cơn ác mộng về bảo mật. Từ đó cho tới khi ngừng hỗ trợ Windows 2000 vào năm 2010, hầu như tháng nào Microsoft cũng phải tung ra bản vá lỗi.
Windows ME ra mắt tháng 9/2000. trong khi Windows 2000 là dành cho những người dùng chuyên nghiệp, ME đặc biệt được phát triển cho người dùng tại gia đình. Thật không may, phiên bản này là một mớ lộn xộn không ổn định, thường xuyên gây rắc rối cho người dùng.
Tháng 10-2000, Bill Gates đã giới thiệu một chiếc máy tính bảng (Tablet PC) chạy phiên bản Windows có chỉnh sửa. Microsoft đã có một chút đi trước thời đại nhưng máy tính bảng không thực sự phổ biến trong 10 năm tiếp theo, cho tới khi Apple trình làng iPad.
Windows XP xuất hiện tháng 10-2001 và đã trở thành một trong những phiên bản Windows nổi tiếng nhất, được nhiều người dùng gắn bó lâu nhất. Windows XP nhanh, ổn định, đẹp và dễ sử dụng. Không hề lạ khi Windows XP vẫn được sử dụng bởi hàng triệu người trên toàn thế giới cho tới ngày nay.
Các "fan" hâm mộ Microsoft đã rất hào hứng khi Windows Vista được phát hành vào tháng 1-2007. Tuy nhiên, Windows Vista lại gây thất vọng khi có quá nhiều hiệu ứng đồ họa bóng bẩy trong khi hiệu suất bị đánh giá dưới mức trung bình.
Ra mắt tháng 10-2009, Windows 7 đã sửa chữa rất nhiều sai lầm trong Windows Vista. Nó loại bỏ nhiều hiệu ứng đồ họa trong khi tận dụng tốt hơn chip đa lõi đã trở thành tiêu chuẩn ngày nay.
Microsoft phát hành Windows Phone 7 vào tháng 10-2010. Nó giới thiệu khái niệm "Live Tiles" cho hệ điều hành di động của Microsoft.
Windows 8 ra mắt tháng 10-2012 đã đưa khái niệm "Live Tiles" lên desktop và tablet. Với Windows 8, Microsoft đã cố gắng tạo ra một hệ điều hành có thể hoạt động trên nhiều thiết bị thuộc đủ kiểu thiết kế.
Cũng vào tháng đó, Microsoft giới thiệu Windows Phone 8. Trong khi có giao diện tương tự, Windows Phone 8 sử dụng cùng nhân với Windows 8. Windows Phone 8 cuối cùng cũng hỗ trợ những màn hình có độ phân giải 720p trở lên.
ICTNews