Với tổng số điểm bình chọn cao nhất từ gần 50 nhà báo chuyên trách CNTT của các báo, đài phát thanh - truyền hình, sự kiện "Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G" đã đứng đầu bảng trong danh sách 10 sự kiện CNTT-TT (ICT) Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2013.
Việc các nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G đã gây phản ứng mạnh từ cộng đồng dù các nhà mạng đã lý giải nguyên nhân tăng cước là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều, khó đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Chiều nay, 30-12-2013, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) chính thức công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện ICT Việt Nam tiêu biểu năm 2013.
1 - Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G
Ngày 16-10-2013, VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G. Bộ TT&TT xác nhận đây là lần điều chỉnh cước có gói cước tăng, có gói cước giảm và có gói cước giữ nguyên nhưng tính tổng thể thì cước 3G tăng khoảng 20%. Các mạng di động cho rằng lý do mà họ đề xuất tăng cước 3G là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều; nếu không tăng cước 3G thì nhà mạng sẽ bị lỗ và rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng mạng 3G cũng như đảm bảo chất lượng của dịch vụ. Theo thống kê của Bộ TT&TT ngay cả sau khi đã tăng 20% thì cước 3G của Việt Nam vẫn chỉ bằng 19,4 % so với cước 3G trung bình của các nước và bằng khoảng 50% so với giá thành dịch vụ.
Tuy nhiên, việc tăng cước 3G đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bất bình bởi đây đang là thời điểm kinh tế khó khăn và có một số gói cước bị tăng quá cao lên đến trên 200%. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ 3G đang làm khách hàng phiền lòng. Thậm chí, một số người đã phản ứng bằng cách hủy dịch vụ sau khi nhà mạng tăng cước 3G.
Giới truyền thông cũng đặt ra nghi vấn có hay không khả năng nhà mạng bắt tay tăng cước 3G. Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật
2 - Bùng nổ thị trường OTT
Năm 2013 chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (OTT) với hàng chục triệu người Việt đăng ký sử dụng. Bên cạnh phần mềm gọi điện Viber đến từ Israel đang chiếm vị trí dẫn đầu với 8 triệu người dùng là sản phẩm nhắn tin Zalo của Việt Nam bám đuổi rất sát với hơn 7 triệu người dùng. Line (Nhật Bản) đứng thứ 3 với 4 triệu, còn Kakao Talk - OTT đến từ Hàn Quốc chấp nhận rời cuộc chơi.
Trong khi đó, các mạng di động lại than phiền doanh thu của họ bị giảm cả nghìn tỷ đồng do người dùng sử dụng OTT thay thế cho gọi điện và SMS truyền thống. Lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, OTT là xu hướng công nghệ mới của thế giới, đem lại lợi ích lớn cho người dùng nên không thể ngăn cản sự phát triển. Cơ quan quản lý đưa ra định hướng phải có sự hợp tác giữa nhà mạng và OTT nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho người dùng. Nhưng tới tận cuối năm, câu chuyện vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
3 - Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về quản lý thông tin trên mạng
Kể từ 1-9-2013, Nghị định số 72 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực. Theo Bộ TT&TT, văn bản này tạo hành lang minh bạch cho sự phát triển Internet tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức truyền thống, phù hợp với thực tế phát triển Internet tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng lại cho rằng văn bản này đã ngăn cấm hoạt động tìm kiếm, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cũng như việc tổng hợp tin tức. Phía cơ quan quản lý khẳng định, Nghị định 72 không có ý nào cấm người dùng mạng xã hội tìm kiếm, chia sẻ tin tức. Thêm vào đó, văn bản này còn có các thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền với các trang tin như: các trang tin không được tùy tiện đăng tải, trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống mà không được sự đồng ý của người sở hữu; trang tin tổng hợp theo mô hình nào phải chịu sự quản lý tương ứng...
Một trong những nội dung quan trọng khác của Nghị định số 72 là cấp phép trở lại cho game online kể từ 1-9-2013. Trước đó, cơ quan quản lý đã có văn bản tạm ngừng cấp phép game mới trong 3 năm.
4 - Hàng loạt tờ báo điện tử lớn bị tấn công DDOS
Từ đầu tháng 7-2013, một đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) quy mô rất lớn đã nhằm vào website của các báo điện tử VietnamNet, Dân Trí, Tuổi Trẻ Online… Mức độ tấn công DDOS mạnh hơn cả những cuộc tấn công trước đây nhằm vào báo VietnamNet trong các năm 2010 và 2011.
Website Tuổi Trẻ Online hầu như tê liệt ngay từ đợt tấn công đầu tiên. VietnamNet và Dân Trí dù đã huy động nhiều biện pháp chặn lọc, mở rộng hạ tầng, băng thông kết nối tới các ISP, phần nào chống đỡ được cuộc tấn công không bị tê liệt, nhưng cũng khó truy cập vào một số thời điểm. Hệ thống hạ tầng của ISP lớn nhất là VDC cũng có những thời điểm bị nghẽn băng thông vì các báo điện tử bị DDOS đều có máy chủ đặt ở VDC.
Trong cuộc tấn công DDOS đồng thời nhằm vào nhiều báo điện tử này, Bộ TT&TT đã có sự chỉ đạo ứng cứu sát sao, tập trung mọi nguồn lực từ các ISP để mở rộng hạ tầng, phối hợp với các cơ quan an ninh, an toàn thông tin để truy tìm và chặn IP của máy chủ điều khiển, tuyên truyền phương pháp diệt virus botnet tham gia cuộc tấn công. Do đó, cuộc tấn công DDOS đã bị chặn và giảm dần cường độ trong thời gian ngắn, không thể tấn công kéo dài hàng tháng như các cuộc DDOS trước đây.
5 - Viettel, FPT, VNPT nhảy vào thị trường truyền hình cáp
Ngày 26-4-2013, Bộ TT&TT đã chính thức cho phép Viettel được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Viettel cam kết chịu phạt tới 80 tỷ đồng nếu không tuân thủ lộ trình số hóa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngày 6/8/2013, Bộ TT&TT cũng cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom.
Việc Viettel và FPT Telecom "tham chiến" vào thị trường truyền hình cáp sẽ thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ ở một lĩnh vực mà VTV đang gần như chiếm thế độc quyền. Hiện VTV nắm trong tay hơn 70% thị phần của dịch vụ truyền hình cáp. Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã lên tiếng với cơ quan quản lý rằng phải “ngăn sông cấm chợ” không cho doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường này. Ngay lập tức, đòi hỏi của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam bị dư luận phản ứng. Nhiều ý kiến nghi ngờ Hiệp hội bảo vệ quyền lợi cho VTV và HTV chứ không đứng về phía khách hàng.
Tiếp sau, Viettel và FPT, VNPT đã đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên phạm vi toàn quốc.
6 - Samsung và Nokia cùng đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam
Ngày 2-10-2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức trao giấy phép đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện cho điện thoại di động của Tập đoàn Samsung với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Cùng với các nhà máy được triển khai trước đó tại Bắc Ninh, Samsung đã chính thức nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên gần 6 tỷ USD và biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất quan trọng của mình trên thế giới.
Ngày 28-10-2013, hãng điện thoại Phần Lan Nokia cũng chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên của mình tại thành phố Bắc Ninh với vốn đầu tư ban đầu khoảng 320 triệu USD, giai đoạn đầu sẽ chỉ sản xuất dòng điện thoại bình dân Nokia 105.
Những sự kiện trên cho thấy các tập đoàn CNTT lớn trên thế giới đang tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự có mặt của các dự án lớn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động và kéo theo nhiều công ty vệ tinh đầu tư vào Việt Nam cho dù có tới khoảng 95% sản phẩm của các dự án này được dành cho xuất khẩu.
7 - Phóng thành công vệ tinh viễn thám của Việt Nam
Ngày 19-11-2013 giờ Việt Nam, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon có kích thước 10x10x11,35 cm, nặng 1kg do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát tín hiệu đầu tiên về mặt đất. Trước đó, ngày 4-8-2013, vệ tinh PicoDragon được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản. Với kết quả này, PicoDragon đã trở thành vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.
Ngày 4-5-2013, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 chuyên quan sát về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai đã được phóng lên quỹ đạo. Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và 64.820 triệu đồng từ vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra những sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu...
8 - Tổng giám đốc VNPT bất ngờ bị điều chuyển công tác
Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố sáng 19-7-2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho thấy VNPT đã có nhiều sai phạm về đầu tư mua sắm gây lãng phí vốn, đầu tư không hiệu quả. Nhiều dự án chậm tiến độ, cá biệt có dự án cáp quang biển Bắc Nam trị giá 3.000 tỷ đồng sử dụng vốn ODA của Nhật Bản bị triển khai chậm 10 năm và đã phải ngừng triển khai.
Theo nhận định của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT: “Từ 2006-2010, kết quả kinh doanh của VNPT giảm sút liên tục, trung bình giảm 7,8%/năm, quản trị doanh nghiệp bộc lộ sự trì trệ”, “lãnh đạo VNPT đã thể hiện sự lúng túng, nhận thức không đầy đủ và thể hiện quyết tâm chưa cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ”.
Do vậy, để Đề án Tái cơ cấu VNPT được thực hiện triệt để, củng cố lại toàn diện Tập đoàn, khắc phục hạn chế, đưa VNPT vươn lên trước yêu cầu đổi mới hiện nay, ngày 6/8/2013, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký Quyết định số 964/QĐ-BTTTT giao ông Trần Mạnh Hùng, phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, đồng thời điều động ông Vũ Tuấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VNPT về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ TT&TT.
9 - Bắt đầu thực hiện số hóa truyền hình
Theo lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra, đến tháng 6/2014, 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng sẽ phải phủ sóng truyền hình số. Năm 2013 là thời điểm các nhà đài đẩy mạnh chiến dịch thay đổi phương thức truyền dẫn phát sóng nhằm chiếm lĩnh thị phần. Số hóa khâu truyền dẫn, phát sóng được xem là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và không thể đảo ngược trong bối cảnh CNTT ngày càng phát triển. Rất nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự trên toàn quốc. Điều này giúp mang lại diện mạo mới cho truyền hình mặt đất với nhiều kênh truyền hình chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng như những nhu cầu mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
10 - "Lùm xùm" kết nối giữa CMC, FPT, Viettel, VDC
Đầu năm 2013, vấn đề kết nối ngang hàng giữa các doanh nghiệp như CMC Telecom - Viettel, CMC Telecom - FPT Telecom, Viettel - VDC bỗng trở nên nóng bỏng và các doanh nghiệp Internet lớn quay sang tính tiền các doanh nghiệp Internet nhỏ. Thậm chí, đã có thời điểm các doanh nghiệp này cắt kết nối của nhau khiến khách hàng lãnh đủ. Đỉnh điểm là từ ngày 1-3 đến ngày 22-3-2013, các thuê bao 3G của Viettel bị chậm kết nối tới một số website đặt tại VDC như dantri, nhaccuatui... Sau đó, Viettel đã có công văn xác nhận về việc này, nguyên nhân chủ yếu là do kênh kết nối trực tiếp giữa VDC và Viettel bị cắt từ ngày 1/3 theo đề nghị của VDC. Vì vậy, lưu lượng trao đổi giữa 2 doanh nghiệp phải chuyển qua đường kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) trong khi dung lượng kết nối đến VNIX của 2 doanh nghiệp không được nâng lên, do đó gây ra hiện tượng nghẽn. Việc VDC và Viettel ngắt hợp đồng kết nối trực tiếp là không có lợi cho cả hai bên và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Trước vấn đề này, Bộ TT&TT phải vào cuộc và bổ sung thêm các quy định về quản lý kết nối Internet.
ICTNews