Một năm nữa sắp sửa trôi qua và đây là quãng thời gian hợp lý nhất để chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật nhất trên thị trường di động trong năm vừa qua.
1. Microsoft mua bộ phận Dịch vụ và Thiết bị của Nokia
Mặc dù thương vụ Microsoft mua lại bộ phận Dịch vụ và Thiết bị của Nokia đã được tuyên bố cách đây vài năm nhưng các thỏa thuận chỉ chính thức được ký kết vào năm 2014. Nokia vẫn tồn tại sau thương vụ này nhưng không được phép ra mắt smartphone cho tới năm 2016. Và gã khổng lồ Phần Lan đã chọn một hướng đi khác khá thông minh là phát hành Nokia N1, một tablet Android, vào đầu năm 2015 dưới dạng... hợp tác thương hiệu.
Tính từ thời điểm mua lại "công thức" của Nokia cho tới nay, "đầu bếp" Microsoft vẫn chưa đưa ra món ăn gì đặc biệt. Hãng này đã cho ra mắt một vài smartphone tầm trung và thấp nhưng chưa hé lộ gì về một smartphone Lumia cao cấp.
Nokia có gì trong năm 2015? Liệu họ có trình làng một smartphone Android để thỏa lòng mơ ước của các fan hâm mộ điện thoại Nokia? Chỉ có thời gian biết câu trả lời nhưng chắc chắn năm 2014 là một năm khá quan trọng với Nokia.
2. Lenovo mua Motorola từ Google
Khác với thương vụ trên, thương vụ Lenovo mua Motorola được tiến hành rất nhanh. Đầu năm 2014, thông tin về thương vụ này được xuất hiện một cách bất ngờ như một tia sét trên bầu trời trong xanh.
Để sở hữu Motorola, Lenovo, một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, nhà sản xuất smartphone thứ năm trên thế giới trong Q3/2014, phải trả cho Google 660 triệu USD tiền mặt, 750 triệu USD dưới dạng cổ phiếu của Lenovo và một kỳ phiếu ba năm trị giá 1,5 tỷ USD.
Thỏa thuận này chính thức được hoàn tất cách đây khoảng một tháng. Motorola và tất cả hơn 3500 nhân viên trên toàn cầu của hãng này hiện là một phần của Lenovo. Rất may cho các fan của Motorola là Lenovo hứa rằng sẽ giữ gìn nguyên vẹn bản sắc thương hiệu Motorola.
Trong thương vụ này Google cũng rất khôn ngoan khi giữ lại gần như toàn bộ 24.000 bằng sáng chế của Motorola và một bộ phận của Motorola đang chịu trách nhiệm phát triển dự án smartphone "xếp hình" Project Ara.
3. Samsung thua lỗ
Doanh số và lợi nhuận của Samsung trong suốt cả năm vừa qua luôn thấp ở mức báo động. Đây là một điều bất thường, chưa từng xảy ra trong những năm gần đây. Các báo cáo tài chính của Samsung chỉ ra rằng, hãng này đang từ từ trượt khỏi ngôi vương trên thị trường và bị vượt mặt bởi các đối thủ mới nổi tại các thị trường quan trọng.
Một ví dụ điển hình đó là Samsung đã bị Xiaomi vượt mặt ở Trung Quốc và Ấn Độ. Rất may cho Samsung, mới đây Xiaomi đã bị cấm bán tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu không mau chóng thay đổi Samsung sẽ tiếp tục gặp khó trong suốt năm 2015 bởi Samsung ngày càng có thêm nhiều đối thủ và các đối thủ của hãng này cũng ngày càng mạnh hơn.
4. Apple ra mắt iPhone màn hình lớn
Rất nhiều người đã dự đoán rằng Apple sẽ tăng kích thước màn hình trên mẫu iPhone ra mắt vào năm 2014, nhưng chẳng ai ngờ rằng Apple lại trình làng iPhone 6 Plus với màn hình lên tới 5.5 inch, ít nhất cho tới khi các tin đồn lần lượt "thủ thỉ" tới tai người dùng. Smartphone màn hình lớn nhất và cao cấp nhất của Apple có rất nhiều đối thủ, nhưng nó là sự lựa chọn hàng đầu của những người yêu thích iOS nhưng lại muốn có một thiết bị màn hình lớn.
5. Sự bùng nổ của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc
Là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tại Trung Quốc có rất nhiều hãng sản xuất smartphone. Hầu hết các hãng này đã xuất hiện từ khá lâu và thường chỉ bán smartphone tại thị trường quê nhà.
Tuy nhiên, trong năm 2014 các hãng smartphone như Xiaomi, OPPO, Lenovo, Huawei và rất nhiều hãng khác tại Trung Quốc đã có những cuộc xâm lăng ngoạn mục, phả hơi nóng vào gáy các ông lớn trên thị trường di động như Samsung, LG và HTC.
Việc các hãng smartphone Trung Quốc bán thiết bị với giá quá rẻ đã khiến doanh số smartphone của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Samsung bị giảm mạnh. Mặc dù vẫn dẫn đầu thị trường nhưng doanh số của Samsung đã bị giảm so với những năm trước. PhoneArena dự đoán rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2015.
6. OnePlus One, smartphone tốt nhưng chiến lược phân phối dở
Về mặt tính năng và thông số, chẳng một ai có thể phủ nhận thực thế rằng trong năm 2014 OnePlus One (Trung Quốc) là smartphone có giá trị cao nhất so với mức giá.
Tuy nhiên, OnePlus đã tự bắn vào chân mình khi đưa ra một chiến lược phân phối cực kỳ tệ. Rất nhiều khách hàng không thể mua được smartphone này chỉ vì không được mời.
OnePlus nên ghi nhớ sai lầm này và điều chỉnh lại kế hoạch tiếp thị của hãng trong năm 2015.
7. Smartphone chụp ảnh tự sướng lên ngôi
Chụp ảnh tự sướng đã trở thành một trào lưu từ năm 2013 và "selfie" đã được bầu chọn là từ khóa của năm 2013. Tuy nhiên, phải tới năm 2014 các nhà sản xuất smartphone mới bắt kịp xu hướng này.
Trong năm 2014, gần như toàn bộ các hãng smartphone từ lớn tới nhỏ đều đã trình làng một mẫu smartphone tập trung vào khả năng chụp ảnh tự sướng. Có thể kể tên một số thiết bị đáng chú ý như Sony Xperia C3, HTC Desire EYE và Nokia Lumia 730.
8. Smartwatch bắt đầu khoe sắc
Smartwatch đã xuất hiện cách đây vài năm nhưng chúng chỉ thực sự đua nhau nở rộ trong năm 2014. Việc Google cho ra mắt Android Wear vào tháng Ba đã góp phần giúp smartwatch phát triển mạnh mẽ trong năm nay. Android Wear ra mắt giúp các nhà sản xuất quên đi nỗi lo lắng về phần mềm và tập trung nhiều hơn vào phần cứng.
Các nhà sản xuất có smartwatch chạy Android Wear bao gồm Motorola với Moto 360, LG với G Watch và G Watch R, Samsung với Gear Live và Gear S, Asus với ZenWatch cùng rất nhiều hãng khác.
Đầu năm 2015, Apple cũng sẽ chính thức tham gia vào thị trường smartwatch với Apple Watch. Năm tới sẽ là năm cực kỳ sôi động của thị trường smartwatch, tuy nhiên vẫn còn rất xa để smartwatch có thể thay thế đồng hồ truyền thống hoặc đóng vai trò quan trọng như smartphone với người dùng.
9. Không còn smartphone Nexus giá rẻ
Khi Google Nexus 5 lên kệ vào năm ngoái, nó có mức giá chỉ 350 USD (khoảng 7,4 triệu đồng), phải chăng hơn rất nhiều so với các đối thủ có cùng thông số kỹ thuật. Thẳng thắn mà nói, so với các đối thủ, mức giá rẻ chính là điểm hấp dẫn của smartphone Nexus.
Tuy nhiên, Google Nexus 6 sản xuất bởi Motorola lại quyết định phá vỡ truyền thống. Người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền 649 USD (khoảng 13,9 triệu đồng) nếu muốn sở hữu Nexus 6. Liệu Nexus 6 chỉ là một ngoại lệ hay Google đang muốn nói với chúng ta rằng thời của những smartphone Nexus giá rẻ đã hết?
10. Samsung ra mắt smartphone có khung kim loại
Nhiều năm qua, Samsung chỉ sử dụng vật liệu nhựa cho các smartphone của hãng, thậm chí cả những smartphone cao cấp. Tuy Samsung vẫn bán được rất nhiều smartphone nhưng có nhiều chỉ trích cho rằng vật liệu nhựa mang lại cảm giác rẻ tiền. Trong những năm vừa qua hầu hết các đối thủ của Samsung đã sử dụng rất nhiều loại vật liệu khác nhau như kính và kim loại cho khung máy smartphone.
Không chịu nổi áp lực từ phía người dùng, năm 2014 Samsung đã phải cho ra mắt một loạt smartphone có sử dụng vật liệu kim loại. Các smartphone này bao gồm Galaxy Alpha, Galaxy Note 4, Note Edge, và Galaxy A3, A5.
11. Smartphone Android gia nhập trào lưu 64-bit
Các fan của Apple đã được tận hưởng kiến trúc 64-bit từ năm ngoái khi Apple giới thiệu iPhone 5s. Tuy nhiên, phải đến vài tháng trước, HTC Desire 510, chiếc smartphone Android đầu tiên hỗ trợ nền tảng 64-bit mới được ra mắt. Tuy HTC Desire 510 là smartphone Android đầu tiên hỗ trợ nền tảng 64-bit nhưng nó lại chạy một phiên bản Android không hỗ trợ 64-bit.
Chỉ khi nào được cập nhật lên Android 5.0 Lollipop người dùng smartphone này mới tận dụng được ưu điểm của nền tảng 64-bit. Sự xuất hiện của Android 5.0 Lollipop đã mở cửa cho sự tấn công của trào lưu 64-bit vào thế giới Android.
Theo PhoneArena