Từ ngày 15-7-2015, Microsoft sẽ dừng hỗ trợ đối với hệ điều hành Windows Server 2003 và Windows Server 2003 R2 sau 11 năm cung cấp.
Hệ điều hành Windows Server 2003 đã có 11 tuổi. |
Hệ điều hành máy chủ Windows Server 2003 hiện đã bước sang tuổi thứ 11, được nhiều tập đoàn, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng. Đây cũng là hệ điều hành máy chủ hỗ trợ rất tốt những ứng dụng điện toán đa dạng cho doanh nghiệp như email, web và các ứng dụng LOB (Line of Business).
Theo chính sách hỗ trợ vòng đời sản phẩm, Microsoft sẽ không đưa ra tư vấn hỗ trợ, các bản cập nhật và bản vá cho Windows Server 2003 kể từ ngày 15-7-2015. Đồng nghĩa, nếu các công ty còn chạy Windows Server 2003 sau thời điểm này, những hệ thống máy chủ và các ứng dụng sẽ đối mặt với các đe dọa về an ninh và dễ bị dừng hoạt động.
Ngoài ra, các công ty còn có thể gặp các vấn đề về tuân thủ luật khi kiểm toán, chi phí vận hành bảo trì cũng sẽ gia tăng như chi phí phát hiện xâm nhập, tường lửa hay các phân mảnh hệ thống mạng do hệ thống bị quá hạn.
Theo Microsoft, những tầm nhìn về công nghệ đã thay đổi rất nhiều sau 11 năm, kể từ thời điểm Windows Server 2003 ra mắt. Điện toán đám mây ra đời đã gia tốc các xu hướng hiện đại như di động và dữ liệu lớn, đặt ra nhiều thách thức lên các hạ tầng CNTT như đảm bảo sự linh hoạt và bài toán chi phí - những vấn đề khi xây dựng Windows Server 2003 chưa được tính đến.
Bà Hoàng Song Nga, Phụ trách giải pháp Máy chủ và Công cụ, Microsoft Việt Nam nhấn mạnh: “Microsoft đang chủ động thông báo về việc dừng hỗ trợ cho toàn bộ các khách hàng sử dụng Windows Server 2003 để có những định hướng phù hợp nhất. 6 tháng là khoảng thời gian cần thiết để các lãnh đạo cân nhắc và chuyển dịch hoàn toàn hệ thống lên đám mây”.
Các tổ chức và doanh nghiệp cũng có thể nâng cấp lên phiên bản mới hơn như Windows Server 2012 R2 và System Center 2012 R2, những giải pháp cũng được Microsoft đầu tư vào rất nhiều công nghệ mới như điện toán, lưu trữ, quản trị, ảo hóa mạng, truy cập và các bảo mật thông tin, các nền tảng web và ứng dụng…
Hơn thế, khách hàng có thể truy cập và các dịch vụ đám mây linh hoạt và thay đổi quy mô như Microsoft Azure và Office 365, điều đảm bảo để khách hàng có thể tối ưu hóa tối đa chi phí và vẫn đảm bảo sự linh hoạt và chất lượng dịch vụ CNTT.
Ngoài ra, hiện Microsoft cũng đang cung cấp công cụ và các khóa đào tạo cho hệ thống đối tác tại Châu Á – Thái Bình Dương để giúp họ quản trị tốt hơn các dự án phức tạp, đặc biệt là chuyển dịch ứng dụng và máy chủ; ra mắt trang web “Dừng hỗ trợ Windows Server 2003” đếm ngược để cung cấp cho khách hàng những chỉ dẫn rõ ràng về các quy trình chuyển dịch hệ thống cùng các thông tin về dịch vụ và công cụ sẵn có. Những dịch vụ, từ đánh giá và đào tạo, thông qua các quản trị rủi ro tới dịch vụ như dịch chuyển nền tảng toàn diện, sẽ giúp khách hàng sẵn sàng để bước vào nền tảng di động, đám mây.
Theo ICT News