Chiếc smartwatch đầu tiên của Apple gây ấn tượng bởi kiểu dáng bóng bẩy, giao diện mới lạ, mượt mà cùng sự thú vị trong việc tương tác với núm xoay Digital Crown. Tuy nhiên, quá trình trải nghiệm cho thấy, sản phẩm này vẫn còn nhiều điểm cần cải tiến và đặc biệt nhiều tính năng hữu ích của nó chưa dùng được ở Việt Nam.
Apple Watch trông bóng bẩy nhưng hơi dày |
Dù mới chỉ được Apple bán ra chính thức tại một số thị trường nhất định nhưng Apple Watch cũng đã xuất hiện tại Việt Nam do một số cửa hàng đưa về dưới dạng xách tay. Chiếc Apple Watch chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá này là phiên bản Watch Sport kích thước 38mm lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile. Hiện cửa hàng này đang bán ra phiên bản Apple Watch Sport 38mm với mức giá khoảng 10,8 triệu đồng.
Thiết kế
Ngay từ hộp đựng, Apple Watch đã thể hiện được sự tỉ mỉ, chau chuốt của Apple. Hộp đựng của phiên bản Sport có màu trắng muốt tương tự như màu sắc của hộp đựng iPhone và iPad. Tuy nhiên, chất liệu giấy cao cấp hơn hẳn. Chiếc hộp này trông cũng rất lạ mắt với kiểu dáng hình chữ nhật, dài. Bên trong hộp, Apple Watch được đặt ngay ngắn trong một chiếc hộp khác bằng nhựa bóng bẩy.
Hộp đựng của Apple Watch khá "hoành tráng" |
Chiếc smartwatch được đặt trang trọng trong một chiếc hộp bóng bẩy bên trong |
Trái với phần hộp đựng cầu kì, phụ kiện của Apple Watch lại tương đối đơn giản gồm một chiếc dây đeo với kích thước lớn hơn để người dùng thay đổi khi cần thiết cùng củ sạc và dây sạc với đầu kết nối nam châm.
Đế sạc nam châm của Apple Watch |
Nhìn tổng thể, chiếc smartwatch của Apple trông khá bầu bĩnh với phần thân mập mạp, tương đối dày cùng rất nhiều đường bo tròn ở các góc cạnh. Apple Watch gợi liên tưởng đến thiết kế của những chiếc iPhone 3G ra đời từ năm 2008. Đây cũng chính là điểm khiến chiếc đồng hồ này nhận phải nhiều lời chỉ trích.
Chiếm phần lớn diện tích mặt trước là phần màn hình kích thước 1.5 inch với các cạnh được vát cong đều về mép và nổi bật hẳn lên so với phần khung viền. Việc vát vong cách cạnh giúp thao tác vuốt ngang qua màn hình trở nên dễ chịu hơn, không gây cấn tay. Tuy vậy, màn hình quá nổi lên so với phần khung sẽ khiến khu vực này dễ xước và va đập, nhất là với một thiết bị đeo trên tay như đồng hồ.
Phiên bản Sport có khung nhôm tương tự iPhone 6/6 Plus |
Đi về phía khung viền, ở phiên bản Watch Sport này, Apple sử dụng chất liệu nhôm làm chủ đạo, cho cảm giác mịn màng, mát tay tương tự như chất liệu vỏ nhôm của iPhone 6/6 Plus. Trong khi đó, 2 phiên bản cao cấp hơn là Apple Watch và Apple Watch Watch Edition lần lượt sử dụng chất liệu thép không gỉ và vàng hoặc vàng hồng 18k.
Núm xoay Digital Crown và phím truy cập nhanh vào phần danh bạ kiêm phím nguồn |
Ở phía cạnh phải, Apple Watch được bố trí núm xoay với tên gọi Digital Crown. Núm xoay này có kiểu dáng gần giống các núm xoay chỉnh giờ trên đồng hồ truyền thống nhưng mượt mà và dễ xoay hơn. Trên bề mặt núm có các rãnh nhỏ để giúp bám vào ngón tay người dùng tốt hơn cũng như tăng thêm độ chính xác khi xoay. Ở ngay cạnh núm xoay Digital Crown là một phím bấm khác với chức năng truy cập nhanh vào phần danh bạ yêu thích kiêm luôn việc bật tắt nguồn hay chuyển sang chế độ tiết kiệm pin.
Loa thoại và microphone của Apple Watch |
Phía cạnh trái của Apple Watch là sự xuất hiện của loa ngoài và microphone. Chúng giúp chiếc đồng hồ này phát ra các âm thanh thông báo, nhận lệnh bằng giọng nói, nghe gọi, bởi chiếc smartwatch này có thể gọi điện được khi kết nối với iPhone. Tuy nhiên, việc nghe gọi với Apple Watch chỉ dễ dàng khi ở trong môi trường yên tĩnh bởi loa ngoài của chiếc đồng hồ này có âm lượng khá nhỏ cũng như phần microphone không có lọc tiếng ồn. Thêm nữa, việc đưa đồng hồ lên tai để nghe gọi cũng không thuận tiện.
Đưa Apple Watch lên tai để nghe gọi không phải là một ý hay |
Phía mặt dưới là nơi chật chội nhất với cụm cảm biến đo nhịp tim chiếm phần lớn diện tích. Cụm cảm biến này gồm 2 đèn LED và 2 cảm biến quang. 2 chiếc đèn LED sẽ chuyển sang màu xanh lục khi bắt đầu đo nhịp tim. Xung quanh cụm cảm biến là các dòng chữ được in thẳng lên khung máy nhằm hiển thị các thông tin về kích thước, loại chất liệu, loại mặt kính sử dụng, số seri.
Mặt dưới nổi bật với cụm cảm biến đo nhịp tim |
Phần mặt dưới còn xuất hiện 2 nút bấm. Chỉ cần ấn nhẹ vào đây rồi trượt phần dây đeo theo phương ngang là có thể tháo dây đeo ra khá dễ dàng rồi thay bằng các loại dây đeo khác.
Cơ chế trượt ngang giúp việc tháo lắp dây đeo rất thuận tiện |
Cảm giác khi đeo Apple Watch trên tay tương đối dễ chịu. Phần dây đeo bằng cao su mềm mại, ôm sát vào tay và giúp giữ chặt chiếc đồng hồ này kể cả khi bạn lắc cổ tay thật mạnh, cần thiết khi tập thể thao bởi chiếc smartwatch này còn có vai trò như một máy theo dõi sức khỏe. Dây đeo của bản Sport cho cảm giác trẻ trung dù không được sang trọng cho lắm. Trọng lượng của Apple Watch vừa phải nên không gây khó chịu khi đeo lâu. Tuy nhiên, phiên bản Watch Sport 38mm có kích thước hơi nhỏ nên sẽ phù hợp với người có cổ tay bé và phái nữ.
Phiên bản Apple Watch Sport cho cảm giác trẻ trung, năng động khi đeo trên tay |
Dây đeo bằng cao su mềm mại dễ tháo lắp |
Màn hình
Apple Watch sử dụng màn hình Flexible OLED do LG cung cấp. Ở phiên bản Sport 38mm này, màn hình của Apple Watch có kích thước 1.5 inch, độ phân giải 340 x 272 pixel và đạt mật độ điểm ảnh 290ppi. Trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình của Apple Watch vừa đủ sắc nét để các chữ cái, biểu tượng hiển thị rõ ràng, chi tiết. Tấm nền OLED giúp màu sắc hiển thị tươi tắn, độ tương phản cao, dải màu rộng, màu đen trên màn hình thể hiện rất sâu và có lẽ đây cũng là lý do các ứng dụng, giao diện trên Apple Watch đều sử dụng nền đen làm chủ đạo, vừa giúp tạo hiệu ứng thị giác vừa giúp tiết kiệm pin.
Màn hình OLED giúp Apple Watch thể hiện màu đen cực sâu cùng mắc tươi tắn, độ tương phản cao |
Màn hình cho góc nhìn rộng, chống lóa rất tốt, dễ dàng sử dụng dưới trời nắng gắt |
Độ sáng tối đa của màn hình không quá cao nhưng nhờ khả năng chống lóa rất tốt nên Apple Watch có thể hiển thị rõ ràng kể cả dưới nguồn sáng rất mạnh và ngoài trời nắng gắt. Góc nhìn của màn hình cũng rất rộng và bị biến đổi rất ít về màu sắc, độ sáng, độ tương phản ở các góc khác nhau.
Giao diện, phần mềm
Lần đầu tiên khởi động Apple Watch, nó sẽ yêu cầu bạn lựa chọn ngôn ngữ (chưa có tiếng Việt) và phải kết nối với một chiếc iPhone 5 trở lên, đang chạy phiên bản iOS từ 8.2 trở lên. Sau đó, Apple Watch sẽ mất khoảng vài phút để kết nối và đồng bộ với iPhone. Các dữ liệu về danh bạ, tin nhắn, email, lịch làm việc,…sẽ đều được đồng bộ tự động lên chiếc smartwatch này. Nếu trên iPhone của bạn có một ứng dụng nào đó đã có phiên bản hỗ trợ Apple Watch, nó cũng sẽ tự động được cài lên chiếc đồng hồ. Vì vậy, thời gian kết nối nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào số lượng ứng dụng mà bạn đã cài trên iPhone và chúng có phiên bản dành cho Apple Watch hay không.
Giao diện trong lần đầu tiên khởi động Apple Watch |
Sau khi đồng bộ xong, Apple Watch sẽ sẵn sàng hoạt động và thứ đầu tiên hiện ra sẽ là phần mặt đồng hồ với các thông tin cơ bản gồm: ngày, giờ, nhiệt độ,... Người dùng có thể tùy chỉnh mặt đồng hồ này bằng cách nhấn mạnh vào màn hình. Màn hình của Apple Watch được trang bị công nghệ Force Touch nên khi nhấn mạnh sẽ thấy rung nhẹ, cho cảm giác rất thật tay. Có khá nhiều mặt đồng hồ để người dùng lựa chọn, tuy nhiên Apple Watch chỉ cho phép sử dụng những mặt đồng hồ có sẵn chứ không để người dùng tùy biến bằng những hình ảnh riêng.
Khá nhiều mặt đồng hồ cho người dùng lựa chọn nhưng bạn chưa thể sử dụng những bức ảnh của riêng mình để làm hình nền cho Apple Watch |
Trượt từ cạnh trên xuống, Apple Watch sẽ hiện ra thanh cập nhật các thông báo còn vuốt ngược từ cạnh dưới lên sẽ xuất hiện màn hình Glance. Glance có chức năng gần giống với các Widget trên Android khi cho phép các ứng dụng hiển thị các thông tin, tính năng quan trọng mà không cần mở ứng dụng đó ra. Người dùng có thể chuyển đổi giữa các ứng dụng bằng cách vuốt sang hai bên và tùy biến Glance trên iPhone.
Giao diện phần thông báo (Notification) của Apple Watch |
Giao diện phần hiển thị nhanh Glance Screen |
Để truy cập vào danh sách ứng dụng của Apple Watch, người dùng cần bấm vào nút Digital Crown. Lúc này, toàn bộ các ứng dụng được cài đặt trên Apple Watch sẽ hiện ra với giao diện dạng bong bóng khá độc đáo và vui mắt. Đây cũng có thể coi là màn hình Home của Apple Watch. Bạn có thể xoay nút Digital Crown để phóng to thu, thu nhỏ giao diện này và để chọn một ứng dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng tay để di chuyển giữa vùng ứng dụng khác nhau và chọn lấy ứng dụng mình muốn.
Nút xoay Digital Crown đóng vai trò như phím Home kiêm phím phóng to/thu nhỏ và một số chức năng tương tác khác thay cho ngón tay |
Tuy nhiên, do Apple Watch không hỗ trợ việc chụm 2 ngón tay để phóng to, thu nhỏ nên khi cài nhiều ứng dụng, bạn sẽ phải chuyển đổi qua lại giữa việc xoay nút Digital Crown và chạm tay lên màn hình, khá rườm rà và bất tiện. Nhất là khi một số ứng dụng có icon trên Apple Watch khác hẳn với icon của nó trên iPhone, điển hình là Instagram.
Bên cạnh đó, dù cho phép sắp xếp lại vị trí của các icon nhưng Apple Watch hoàn toàn không hỗ trợ việc sắp xếp theo kiểu hàng và cột như truyền thống mà luôn có xu hướng bố trí các ứng dụng theo dạng tổ ong nên nhìn khá rối mắt. Đôi khi, bạn có thể cố sắp xếp lại các biểu tượng thành hình tam giác để dễ quan sát hơn nhưng việc "ép" người dùng phải sử dụng giao diện rối mắt này là một trong những chính sách không mấy dễ chịu của Apple.
Bạn có thể chỉnh lại vị trí các icon ứng dụng trên iPhone nhưng Apple Watch không cho phép sắp xếp theo dạng hàng và cột như truyền thống |
Một số người dùng nước ngoài đã cố gắng sắp xếp giao diện của ứng dụng của Apple Watch theo nhiều cách khá sáng tạo nhưng vẫn rất khó khăn khi muốn tìm một ứng dụng |
Apple cho biết, kho ứng dụng của Apple Watch đã có khoảng 100.000 ứng dụng. Nhưng đối với người dùng Việt Nam, hầu hết các ứng dụng này đều không hữu dụng. Chỉ có một vài ứng dụng tỏ ra có ích với người dùng Việt gồm: Uber, Instagram, Skype, Evernote, OneDrive. Lác đác một vài ứng dụng Việt xuất hiện như VIB Bank. Các ứng dụng được người Việt ưa chuộng sử dụng như Facebook, Viber và Zalo đều chưa hỗ trợ Apple Watch.
Đã có khá nhiều ứng dụng cho Apple Watch, tuy nhiên phần lớn lại khá xa lạ với người Việt hoặc không dùng được ở Việt Nam |
Ngoài ra, hầu hết các ứng dụng và tính năng hay nhất của Apple Watch đều chưa thể sử dụng tại Việt Nam. Điển hình nhất là tính năng thanh toán Apple Pay. Tính năng này mới chỉ có thể sử dụng tại Mỹ, nó cho phép biến Apple Watch thành một chiếc ví điện tử để người dùng dễ dàng mua sắm tại các cửa hàng thời trang, mua vé máy bay, đồ ăn uống, vé xem phim, thậm chí là check in qua cổng an ninh sân bay bằng cách quẹt chiếc smartwatch này qua một đầu đọc đặc biệt. Hay như việc sử dụng Apple Watch để điều khiển các thiết bị như xe hơi, tìm kiếm các trạm xe bus, tàu điện ngầm gần nhất, đặt phòng khách sạn, nhà hàng, hoặc thậm chí đơn giản hơn như cập nhật tin tức từ Facebook hay các đầu báo lớn đều chưa thể thực hiện tại Việt Nam.
Tính năng ra lệnh bằng giọng nói cho Siri, hay tự động phân tích nội dung tin nhắn để đưa ra câu trả lời thích hợp cũng chưa hỗ trợ tiếng Việt mặc dù trong phần tin nhắn đã hỗ trợ việc nhận diện giọng nói tiếng Việt để nhắn tin. Các tính năng thú vị khác như gửi nhịp tim, gửi hình vẽ tay cũng chỉ thực hiện được giữa những chiếc Apple Watch với nhau chứ không hỗ trợ việc gửi từ Apple Watch đến một chiếc iPhone khác.
Siri vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt |
Tính năng tự động phân tích nội dung tin nhắn rồi đưa ra câu trả phù hợp cũng chưa hỗ trợ ngôn ngữ Việt Nam |
Tuy nhiên, việc nhắn tin bằng giọng nói đã có thể thực hiện bằng tiếng Việt |
Bên cạnh đó, ngoài những ứng dụng mặc định của Apple và một số ứng dụng như Uber được thiết kế và tối ưu tốt, với giao diện đơn giản, trực quan, phù hợp với diện tích hiển thị hạn hẹp của Apple Watch thì đa số ứng dụng khác đều chưa có giao diện hợp lý. Các ứng dụng như Instagram, Twitter nhồi nhét quá nhiều thông tin, cố mang giao diện của smartphone lên smartwatch, khiến việc tương tác không phù hợp và rất dễ gây mỏi tay do việc phải giữ tay quá lâu để có thể đọc hết nội dung hiển thị.
Uber là một trong số ít các ứng dụng của bên thứ 3 có giao diện tốt |
Không như khi sử dụng smartphone, việc tương tác với các ứng dụng, thông báo trên Apple Watch chỉ nên kéo dài khoảng từ 5 đến 10 giây. Nếu không, tay bạn sẽ bắt đầu mỏi nhừ khi phải giữ ở tư thế xem đồng hồ quá lâu.
Ngoài ra, dù được Apple quảng cáo là có bộ lọc thông minh, tự động lọc đi những thông báo không quan trọng nhưng Apple Watch vẫn liên tục hiển thị thông báo nhiều không kém gì khi dùng smartphone. Cộng với bộ rung Taptic Engine liên tục gõ vào tay khi có thông báo, bạn sẽ có một ngày không mấy dễ chịu nếu liên tục có email hay tin nhắn.
Hiệu năng
Được trang bị vi xử lý tích hợp (SoC) Apple S1 do Samsung sản xuất, RAM 512MB, bộ xử lý đồ họa PowerVR SGX543, theo lý thuyết Apple Watch sẽ có sức mạnh gần như tương đương với iPhone 4S. Thực tế cho thấy, hiệu năng hoạt động của chiếc smartwatch này rất mượt mà, hiệu ứng mở ứng dụng, truy cập hay thoát màn hình Home, thoát phóng to thu nhỏ danh sách ứng dụng, phóng to thu nhỏ ảnh, điều khiển từ xa camera, nghe gọi, nghe nhạc qua tai nghe bluetooth… đều nhanh nhẹn. Dù vậy, thỉnh thoảng Apple Watch vẫn hơi lag nhẹ và mất khoảng 1 đến 2 giây để có thể hiện thị hết các nội dung trên màn hình.
Dù không có camera, Apple Watch vẫn có thể chụp ảnh nhờ việc điều khiển từ xa camera trên iPhone |
Chiếc smartwatch này không có phím cứng nào để bạn bật/tắt màn hình bởi Apple Watch có các cảm biến nhận biết khi nào bạn đưa tay lên hay hạ tay xuống và sẽ tự động bật/tắt màn hình tùy theo ngữ cảnh. Ngoài ra, khi màn hình tắt, bạn cũng có thể chạm tay vào mặt chiếc đồng hồ này để bật nó lên. Trong suốt quá trình trải nghiệm, cảm biến của Apple Watch hoạt động tương đối nhạy và gần như ngay lập tức bật/tắt màn hình khi đưa tay lên xuống. Chỉ thỉnh thoảng với một số tình huống khó như vẫn đặt tay trên bàn và xoay cổ tay để xem giờ, Apple Watch đôi lúc không nhận biết được và không tự bật màn hình lên. Các cảm biến nhịp tim, đếm bước đi cũng hoạt động nhanh nhẹn khi chỉ mất khoảng 10 tới 15 giây để đo nhịp tim, số bước chân của bạn.
Chiếc smartwatch này có thể nghe nhạc độc lập thông qua tai nghe bluetooth mà không cần đến iPhone |
Thời lượng pin
Theo công bố của Apple, chiếc đồng hồ thông minh của họ có thể sử dụng trong vòng 18 giờ đồng hồ khi người dùng thực hiện các hoạt động gồm: 90 lần xem giờ, nhận 90 thông báo, 45 phút dùng các ứng dụng trên đồng hồ, 30 phút nghe nhạc thông qua kết nối Bluetooth với thiết bị âm thanh bên ngoài.
Thời lượng pin của Apple Watch không tốt như công bố |
Tuy vậy, trong quá trình trải nghiệm của chúng tôi, thời lượng pin của Apple Watch không được tốt như vậy. Sạc đầy 100% pin từ khoảng 12h đêm và để qua đêm khoảng 7 tiếng, Apple Watch tụt 20% pin, sau đó dùng với cường độ vừa phải, chủ yếu là xem giờ, theo dõi việc đạp xe, chạy bộ, dùng một số ứng dụng từ 10h sáng tới 18h10, máy mất 70% pin nữa, tức là còn 10% pin. Như vậy, tổng thời gian từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10% là khoảng 18 giờ nhưng thời gian sử dụng thực tế chỉ khoảng 8 giờ, còn lại là thời gian Apple Watch ở trạng thái chờ.
Khi pin còn 10%, Apple Watch sẽ gợi ý người dùng chuyển qua chế độ tiết kiệm pin Power Reserve. Chế độ này sẽ tắt đi toàn bộ các tính năng thông minh, biến chiếc smartwatch của Apple thành một chiếc dumbwatch với một màn hình hiển thị giờ nhàm chán và giúp nó trụ được thêm từ 4 tới 5 tiếng. Nếu không sử dụng chế độ Power Reserve, Apple Watch chỉ trụ được khoảng 1 tiếng với 10% pin còn lại.
Chế độ tiết kiệm pin Power Reserve của Apple Watch |
Một điểm bất tiện nữa là khi sạc Apple Watch bạn buộc phải tháo chiếc đồng hồ này ra và đặt lên đế sạc đi kèm. Không hề có cổng sạc nào trên thân của Apple Watch để bạn có thể lắp vào những bộ pin dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Bù lại, đế sạc của Apple Watch khá thú vị khi chỉ cần đưa chiếc đồng hồ đến gần là sẽ tự hút, không cần mò mẫm cắm cáp như với smartphone. Đế sạc cũng kết nối với Apple Watch rất chắc chắn và bạn sẽ không phải lo về việc vô ý chạm phải khiến đế sạc bung ra. Thời gian để sạc đầy Apple Watch từ khi pin cạn sạch đến khi đầy 100% mất khoảng 2h30 phút với bộ sạc đi kèm, đúng như Apple công bố.
Kết luận
Là chiếc smartwatch thế hệ đầu tiên của Táo Khuyết, Apple không tránh khỏi những hạn chế. Dù khả năng hoàn thiện, lắp ráp rất tốt cùng việc xử lý chất liệu khéo léo, sự sáng tạo khi tận dụng lại phím xoay trên đồng hồ truyền thống, cơ chế thay dây đeo dễ dàng, thuận tiện, Apple Watch vẫn khó lòng thuyết phục những khách hàng yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ bởi kích thước của nó quá dày, có phần cục mịch cùng nhiều đường bo tròn nữ tính.
Phần mềm từ bên thứ 3 chưa tối ưu, giao diện hơi rồi mắt, cơ chế lọc thông báo, bộ rung Taptic Engine và đặc biệt là thời lượng pin chưa tốt như công bố, khiến trải nghiệm trên chiếc smartwatch này không thực sự thoải mái và dễ chịu như mong đợi. Thêm vào đó, những tính năng hay nhất của Apple Watch hiện cũng chưa thể sử dụng tại Việt Nam cũng khiến chiếc smartwatch này càng trở nên kém hữu ích với người dùng Việt.
Cũng giống như iPhone, nhiều ý kiến nhận định cho rằng người dùng nên chờ đợi đến thế hệ smartwatch thứ 2 hoặc thứ 3 của Apple để có được sản phẩm hoàn thiện hơn cả về phần cứng lẫn phần mềm. Cộng với sự phổ biến hơn của nền tảng Apple Pay (một trong những tính năng quan trọng nhất của Apple Watch hiện mới chỉ dùng được tại Mỹ), Apple Watch sẽ trở nên hữu dụng hơn và xứng đáng hơn với danh hiệu "kẻ giết chết iPhone".
Theo VnReview