Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nghiên cứu nhiều về mô hình Thành phố thông minh tại các thành phố lớn của các nước Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản… và đang bước đầu xây dựng dự án “Thành phố thông minh” cho chính mình.
Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ trở thành Thành phố thông minh. |
Theo các chuyên gia trong các lĩnh vực CNTT thì Thành phố thông minh được hiểu nôm na là một thành phố mà ở đó tất cả mọi hoạt động, công việc đều điện tử hóa, từ đèn xanh đèn đỏ ngoài đường đến những vật dụng trong nhà như máy tính, quạt, đèn, điều hòa… sẽ được lập trình sẵn để có thể tự biết ngắt điện khi đã đủ và hoạt động khi công việc yêu cầu. Thành phố thông minh là trong đó, việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, tài nguyên như nước, đất, biển… sẽ dựa trên nền tảng tin học hóa một cách tối đa và hiệu quả nhất. Hoặc có thể được hiểu từ khái niệm thành phố sinh thái hay thành phố phát triển bền vững khi các hệ thống và các giao thức khác nhau trong một khu đô thị có thể tương tác, kết nối với nhau, giúp thành phố đó phát triển tốt hơn.
Ví dụ: Thành phố thông minh cho phép chúng ta bằng những ứng dụng của CNTT có thể biết nguồn nước có bị ô nhiễm hay không qua một thiết bị đo nguồn nước đặt sẵn mà không cần con người phải đến đó đo, ghi và nhập lên máy móc như thông thường, giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và đặc biệt là thu thập được những dữ liệu chính xác nhất. Hay kiểm soát được các luồng, tuyến giao thông bằng cách lắp đặt các hệ thống camera tại hiện trường hoặc kiểm soát được các nguồn gốc của thực phẩm…
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho rằng: Thành phố thông minh là kỳ vọng lớn của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, để xây dựng được Thành phố thông minh rất cần sự đồng lòng, hợp sức của tất cả các sở, ban, ngành liên quan. Hiện Đà Nẵng bắt đầu xúc tiến để xây dựng Thành phố thông minh, nhưng đây là một quá trình có khi phải mất 15-20 năm mới hình thành được. Và thực tế, từ giữa năm 2010, Tập đoàn CNTT Cisco đã ký kết bản ghi nhớ mở rộng xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố thông minh” với UBND thành phố Đà Nẵng. Bản ghi nhớ này sẽ góp phần giúp Đà Nẵng hướng đến phát triển kinh tế, sinh thái bền vững trong những năm tiếp theo.
Cùng với Tập đoàn Cisco, vừa qua, Công ty Intel Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác CNTT giai đoạn 2011-2012 với thành phố Đà Nẵng. Qua đó, cung cấp và cho thành phố thử nghiệm các công nghệ mới nhất của Intel nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hệ thống CNTT. Ông Phạm Đỗ Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Intel Việt Nam, khẳng định: “Thành phố Đà Nẵng có định hướng, có cam kết rõ ràng và toàn diện về định hướng và phát triển CNTT. Vì vậy, Intel sẽ nỗ lực triển khai thử nghiệm các công nghệ mới nhất của mình tại Đà Nẵng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hệ thống CNTT của Sở TT&TT nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Intel tin tưởng rằng cùng sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các ban, ngành liên quan, Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng sẽ trở thành Trung tâm dữ liệu Xanh với công nghệ điện toán đám mây, giúp khai thác Trung tâm với hiệu suất cao nhất trên cơ sở sử dụng năng lượng, các nguồn lực, tài nguyên thông tin hợp lý và hiệu quả nhất, nền tảng cho hạ tầng Chính phủ điện tử hàng đầu ở Việt Nam.
Cùng chung mong muốn hỗ trợ Đà Nẵng triển khai nhanh ý tưởng xây dựng Thành phố thông minh, đầu tháng 6 vừa qua, IBM (tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia) đã đưa ra nhiều giải pháp CNTT và giải pháp kinh doanh. Trong đó, chú trọng đến các cách thức xây dựng một thành phố thông minh hơn thông qua các thách thức của quá trình đô thị hóa như quản lý nguồn cung nước sạch, giao thông đô thị và truy soát nguồn gốc thực phẩm.
Với sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, các tập đoàn nói trên, thành phố Đà Nẵng trong tương lai hoàn toàn có khả năng xây dựng được Thành phố thông minh, trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước có cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển.
Bài và ảnh: Thanh Tình