CNTT

Đà Nẵng: Đơn giản dịch vụ công nhờ hồ sơ điện tử

13:58, 19/09/2014 (GMT+7)

Với việc sử dụng hồ sơ điện tử (HSĐT), người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) TP Đà Nẵng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 5885 quy định về việc xác thực và sử dụng HSĐT của công dân, CBCCVC trong việc thực hiện các giao dịch hành chính trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo đó, mỗi công dân sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tại TP Đà Nẵng cung cấp, xác thực một bộ HSĐT riêng. Trong đó, các thông tin cơ bản về khách hàng như họ, tên; số chứng minh nhân dân; giới tính; quê quán; dân tộc; tôn giáo; sổ hộ chiếu; trình độ học vấn, chuyên môn; nghề nghiệp; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; họ, tên; quốc tịch của cha mẹ; vợ hoặc chồng, con; email; các bản scan giấy tờ tùy thân… sẽ được thu thập, xác nhận và lưu trữ vào HSĐT.

Trong quá trình giao dịch thủ tục hành chính với các cơ quan có thẩm quyền, HSĐT của công dân được bổ sung thêm các thông tin liên quan đến giải quyết giao dịch đó.

Khi giao dịch bằng HSĐT, công dân chỉ cần sử dụng tài khoản cá nhân để đăng nhập hệ thống; sau đó, nhập dữ liệu, bổ sung các tài liệu theo yêu cầu từ hệ thống của dịch vụ công trực tuyến rồi gửi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Việc sử dụng hồ sơ điện tử giúp CBCCVC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính rút ngắn thời gian tiếp nhận, nhập hồ sơ vào phần mềm một cửa.
Việc sử dụng hồ sơ điện tử giúp CBCCVC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính rút ngắn thời gian tiếp nhận, nhập hồ sơ vào phần mềm một cửa.

Đồng thời với việc cấp HSĐT cho công dân, mỗi CBCCVC cũng được tạo lập, xác thực một bộ HSĐT riêng; bao gồm những thông tin về quá trình công tác; quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng; quá trình lương; thi đua khen thưởng, kỷ luật… Hàng năm, CBCCVC cập nhật các thông tin về thân nhân đã thay đổi trong năm vào HSĐT.

HSĐT của CB-CC-VC đã được xác thực và lưu trữ trên hệ thống có giá trị tương đương với hồ sơ giấy, được sử dụng để thực hiện công tác quản lý và sử dụng CBCCVC trong việc nâng bậc lương, chuyển xếp lương, thuyên chuyển, điều động; cử đi đào tạo, bồi dưỡng; đề xuất các danh hiệu thi đua khen thưởng… Cũng như, xác định nhu cầu tuyển dụng CBCCVC; giao và quản lý chỉ tiêu, biên chế, vị trí việc làm, hợp đồng lao động.

Trong quá trình thực hiện giao dịch thủ tục hành chính, HSĐT của CBCCVC được tự động gắn kết, đồng bộ với hệ thống dữ liệu của cơ quan, đơn vị.

Với việc sử dụng HSĐT trong thực hiện giao dịch hành chính, CB-CC-VC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính chỉ cần sử dụng mã số khách hàng để truy xuất dữ liệu từ HSĐT đã tồn tại trên cơ sở dữ liệu, rút ngắn thời gian tiếp nhận, nhập hồ sơ vào phần mềm một cửa. Trong khi đó, người dân sẽ được đơn giản hóa trong việc xuất trình các giấy tờ chứng minh có liên quan, không phải mất nhiều thời gian đi lại nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ.

Không những vậy, công dân, CBCCVC có thể sử dụng tài khoản cá nhân để xem lại các thông tin cá nhân, lịch sử các giao dịch, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến được cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Trong thời gian tới, HSĐTsẽ được sử dụng cho việc xác thực khi công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Mỗi HSĐT sẽ được gắn một mã số khách hàng duy nhất và có thời hạn hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày tạo lập.

Ictnews
 

.